Multimedia Đọc Báo in

Những ký ức không thể phai nhòa

05:39, 14/01/2024

Ba ngày chiến trận ở xứ An Nam” (nguyên tác: “Trois jourrnées de guerre en Annam”, Nxb Tri Thức ấn hành quý 4/2023) là một cuốn sách văn học của nhà văn Pierre Loti được viết vào năm 1883 và xuất bản vào năm 1885, tái hiện cuộc tấn công chiếm cửa biển Thuận An và trận đánh bom thành phố Huế của quân đội Pháp vào năm 1883.

Nhà văn Pierre Loti tên thật là Louis Marie Julien Viaud, sinh ngày 14/1/1850 ở Rochefort, mất ngày 10/6/1923 ở Hendaye sau cơn bệnh liệt nửa người. Ông là con thứ ba một ông chủ sự bưu điện, học những năm trung học ở Rochefort rồi thi đậu vào trường Hải quân ở Brest năm 1867. Các nhà chuyên môn đánh giá Pierre Loti là một nhà văn theo trường phái ấn tượng, có một ngôn ngữ khá đơn giản. Chủ nghĩa ấn tượng này trong văn học cũng ảnh hưởng sâu sắc đến nhân cách của ông. Trong các tác phẩm của ông thể hiện sự tuyệt vọng sâu sắc, cảm giác về cái chết cũng như tình yêu diễn ra rộng rãi…

Vào tháng 5/1883, Pierre Loti, 33 tuổi, là đại úy hải quân. Ông lên tàu Atalante để tham gia chiến dịch cửa Thuận An do Jules Ferry chỉ huy. Trong ba bài viết đã đăng tải trên tờ Le Figaro, ông thuật lại chi tiết cuộc đánh chiếm Huế của Pháp. Những bài tường thuật quá chân thực và sống động làm cho phe cánh hữu của Quốc hội Pháp nổi giận và chỉ trích nhà văn đã dám mô tả những thủy thủ Pháp như là những tên sát nhân khát máu, trần trụi. Nó đã góp phần tạo ra một hình ảnh xấu về nước Pháp, tạo cơ hội cho báo chí lên tiếng về “sự man rợ của các thủy thủ Pháp”… Sự việc này khiến Pierre Loti bị Bộ Tư lệnh Hải quân triệu về Pháp, thải hồi ra khỏi quân đội. Đến năm 1897, Loti đã chính thức xuất bản ba bài báo này, sau khi cắt bỏ những cảnh gây sốc nhất dưới tựa đề “Ba ngày chiến trận ở xứ An Nam” như ấn bản đang có hiện nay.

Trong một lá thư gửi cho nhà văn Alphonse Daudet (1840 - 1897), Pierre Loti viết: “Tôi chẳng biết họ sẽ xử tôi ra sao, nhưng có một điều bất công đáng phẫn nộ là họ buộc tội tôi đã mô tả những thủy thủ đáng thương của chúng ta như bọn người man rợ. Những người ở Paris đã gửi những thủy thủ qua đây để thảm sát, họ là những đứa con của xứ Bretagne can đảm trăm, nghìn lần hơn các ngài, những người lúc nào cũng sống trong hoan lạc, thế mà các ngài lại gửi họ đi viễn chinh ở xứ Bắc Kỳ này, rồi các ngài lại cảm thấy lợm giọng, nhao nhác như gà phải cáo… khi người ta kể cho các ngài biết sự tình đã xảy ra thế nào”. Vào năm 1919, ba mươi năm sau, ông có nhắc lại sự kiện này trong hồi ký Prime Jeunesse (Tuổi thanh xuân): “Cuộc viễn chinh điên cuồng và tai hại qua xứ Bắc Kỳ được một trong những nhà cầm quyền tồi tệ nhất của chúng ta ra lệnh, họ gửi qua đó, nhằm một mục đích xấu xa, hàng nghìn đứa con của nước Pháp để rồi những đứa con đó không bao giờ được trở về quê hương”.

Tác phẩm “Ba ngày chiến trận ở xứ An Nam” được chia thành ba phần, mỗi phần kể về một ngày trong chiến dịch. Phần đầu tiên mô tả cuộc tấn công để chiếm cửa biển Thuận An, phần thứ hai tập trung vào trận đánh bom thành phố Huế, và phần thứ ba kể về những ngày sau trận đánh. Tác giả đã ghi lại những hình ảnh thực tế và sống động về chiến tranh; mô tả chi tiết về những cảnh tàn phá, những mất mát và nỗi đau của con người. Đồng thời, cũng thể hiện sự phản đối của mình đối với cuộc chiến phi nghĩa này.

Theo dịch giả Hồng Hạnh, đây là một tác phẩm phóng sự có giá trị về mặt văn học và lịch sử. Những ghi chép chân thực và sống động đã góp phần giúp cho người đọc hiểu rõ hơn về cuộc chiến tranh phi nghĩa đã gây ra nhiều đau thương cho người dân Việt Nam. Và trong bối cảnh ngày nay, nó giúp chúng ta nhìn lại những thương tổn, mất mát của người Việt Nam trong một trận chiến lịch sử, để không bị rơi vào quên lãng.

Cần lưu ý thêm, hạm đội mà nhà văn Pierre Loti có mặt, dưới quyền chỉ huy của đô đốc Amédée Anatole Courbet, hướng vào Biển Đông vào lúc có tin vua Tự Đức băng hà, ngày 17/7/1883. Một tháng sau, trong lúc tướng Bouët hành quân ở ngoài Bắc, đô đốc Courbet được lệnh đem hạm đội tiến đến Đà Nẵng để chuẩn bị đánh chiếm thành Huế. Sau khi ra lệnh đầu hàng không được trả lời, ông cho oanh tạc đồn lũy cửa Thuận An trong ba ngày từ 18 – 21/8/1883 với 3 chiếc chiến hạm Bayard, Atalante và Château-Renaud. Cuộc tấn công này mở đường cho thời kỳ dài Pháp đô hộ Việt Nam.

Phan Hồng Hạnh là dịch giả đã có nhiều tác phẩm quen thuộc chuyển ngữ từ tiếng Pháp như: “Giao em bao nhiêu tuổi?” của Joel Luguern (Nxb Đà Nẵng, 1995); “Những người lính thợ” của Liêm Khê Luguern (Nxb Đà Nẵng, 2010); “Những chiếc dù trên bãi biển Đà Nẵng” của Joel Luguern (Nxb Đà Nẵng, 2021)… Bà là vợ ông Luguer Joel - người từng dạy học tại Trường Blaise Pascal - Nguyễn Hiền, Đà Nẵng (1960 - 1970) và hoạt động báo chí tại đây (1971 - 1975). Sau năm 1975, bà Hồng Hạnh cùng chồng con định cư tại Pháp, song vẫn cùng chồng tiếp tục tham gia Chương trình hỗ trợ nhân đạo ở Campuchia, Việt Nam và Lào của Fondation France-Liberté. Bà Hồng Hạnh cho biết, một lần tình cờ tiếp cận tập sách nhỏ “Ba ngày chiến trận ở An Nam” của Pierre Loti, bà rất xúc động và quyết định phải dịch tập sách này ra tiếng Việt để những sự kiện lịch sử không bao giờ bị quên lãng.

Trần Trung Sáng


Ý kiến bạn đọc