Multimedia Đọc Báo in

Lở bồi mấy nẻo sông quê...

09:09, 28/03/2024

Trên những chuyến xe rời quê vào thị thành, lần nào ngoái lại tôi cũng bắt gặp dáng mẹ đứng trông theo, phía xa là dòng sông chiều bàng bạc nắng. Ánh nhìn của mẹ cũng vời vợi tựa dòng sông trôi mãi, uốn mình qua bao nhiêu ruộng nương, bờ bãi, ngút ngát đến tận chân trời.

Xe đi được một quãng, nhìn ra vẫn thấy dòng sông quê len lỏi dưới ánh tà dương, những ngọn gió đằm dịu mùi phù sa thổi vào trong tôi một niềm thương khôn xiết. Nơi con đường nhỏ tôi vừa rời đi, ngỡ như vẫn còn đó bóng tôi là đứa trẻ ngày nào đứng trông mẹ về từ bờ đê gió lộng, cùng xâu cá tôm cho bữa cơm chiều. Đời sông đã hòa vào đời mẹ bao thương khó, nắng mưa, mà cũng đầy sâu một miền nghĩa tình thắm đượm ký ức.

Tôi nhớ những buổi chiều theo mẹ ra sông. Nước chảy liu riu qua những rặng cây hai bên bờ đất, phủ bóng lên vài căn chòi nhỏ lao xao tiếng chuyện trò. Mẹ chống sào đẩy chiếc thuyền lướt êm trên mặt sông, từng nếp sóng nối theo nhau vỗ vào mạn thuyền lóc bóc. Sông chảy vào hồn tôi miên man tựa một điệu ca dao xứ sở. Thuyền trôi ngang những vạt hoa nở rộ đôi bờ, nương theo chiều gió buông cánh xuống con nước lênh đênh, như thể dòng sông đang mặc tấm áo được kết từ muôn vàn những đóa hoa chấp chới. Mùi cỏ dại, rong tảo chân phương ngai ngái, chẳng nồng thơm nhưng khi nào cũng khiến lòng tôi dễ chịu, tự bao giờ chúng đã trở thành mùi hương gợi về miền nhớ xa xôi.

Minh họa: Trà My

Giữa những lọn gió sông hây hẩy, mát rượi, bao câu chuyện mẹ kể như rót vào tôi mênh mông tháng ngày xưa cũ. Đó là một thời mẹ và ngoại tôi vẫn đi chợ bằng thuyền, trong bịn rịn sương sớm hòa vào quầng sáng le lói từ ngọn đèn dầu, nhỏ nhoi nhưng ấm áp. Bao hình dung mở ra trước mắt tôi khung cảnh con thuyền chầm chậm rẽ nước, trôi qua những nếp nhà ven sông lác đác vọng lại tiếng gà quê kiểng. Mẹ và ngoại sẽ mang theo chiếc giỏ tre đựng những con cua được trói chặt bằng sợi dây chuối, mớ cá rô, cá diếc còn vương mùi rong rêu búng tanh tách trong thùng. Chúng sẽ được bán trong buổi chợ quê khi thuyền vừa cập bến. Ngày mới dần bắt đầu trên xứ sở biêng biếc những dòng trôi…

Thuở ấy chưa xây cầu, nên ngày cưới ông, ngoại cũng được đưa dâu bằng thuyền. Dòng sông đã âm thầm giữ lại những giọt nước mắt bồi hồi của ngoại, dẫu có về đâu cũng nguyện một lòng với quê hương. Năm dài tháng rộng, đời ngoại, rồi đến đời mẹ đều nương nhờ vào sông mà lớn lên, dòng chảy cứ thao thiết cưu mang bao người con xứ sở. Tôi cũng lớn lên từ những hạt phù sa mỡ màu, những bầy cá tôm loang loáng ánh vảy, từ những chắt chiu yêu thương của mẹ hòa cùng đậm đà ân nghĩa sông quê. Lòng sông như lòng mẹ, đã dịu dàng dưỡng nuôi tâm hồn tôi cùng bao đứa trẻ chất phác, bằng những lắng sâu, vỗ về tựa một điệu ru ngân dài miền tâm tưởng. Để khi vào đời, những đứa trẻ ngày nào dẫu có bôn ba vạn dặm vẫn luôn dõi mắt về cố hương, trong thẳm sâu là tình người nồng hậu.

Ngoại và mẹ lặng lẽ đi qua bao chớp bể mưa nguồn. Trong đằng đẵng nhớ quên, men theo con đường được tạo nên từ dấu chân ký ức, nhiều lần ngoại trở về sống lại quãng đời lặn lội trên sông. Dẫu trí nhớ có bị thời gian lạnh lùng bôi xóa, dòng sông lở bồi một thuở vẫn hiện hữu sống động trong thẳm sâu lòng ngoại. Dòng sông ấy đêm ngày cất giữ bao câu chuyện đời người, bao hẹn thề bể dâu. Có con đường nào trong đời ta xao xuyến nhớ mong hơn con đường dẫn ta về với mẹ, với quãng sông quê hoa nắng rụng đầy, bến cũ thuyền neo lồng lộng gió.

Ngồi trước sông quê, từng cụm bèo cứ man mác trôi qua bao đục trong, vơi đầy. Dường như buồn vui đã hóa thành những cánh hoa rơi mê mải dọc bờ sông vắng. Tôi ngồi thật lâu trong ráng chiều ngân ngấn, nghe dòng sông dìu dặt loang xa bao vọng âm nguồn cội. Nao nao cất lên tiếng gọi sông dài, từng ngọn gió êm ả lướt qua tôi còn lưu lại hồn của cố hương…

Trần Văn Thiên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.