Multimedia Đọc Báo in

Những tháng ba còn lại…

06:21, 10/03/2024

Tháng ba về khi những tia nắng mỏng manh vẫn còn giăng đầy ngõ nhỏ. Tôi bước đi trên con đường làng quen thuộc, nghe hương vị thời gian trôi trên đôi cánh lặng thầm.

Từng tháng ba đi qua lòng chợt dấy lên một nỗi niềm xanh biếc như thể những lộc non cũng vì thế mà đâm chồi. Tôi thích tháng ba bởi tiết trời dịu mát, đến cả cơn gió, màu nắng chừng như cũng nhẹ nhàng buông xuống. Cứ như chỉ cần gắt gỏng thêm một chút, tháng ba sẽ hao hụt đi ít nhiều trong ký ức của những người trót lỡ yêu thầm tháng ba.

Dòng sông quê hồn nhiên sóng nước, con đò lững lờ cắt ngang dòng chảy, đưa khách qua sông. Tôi thường đứng trên bờ nhìn theo bóng con đò rời bến trong miền nắng ngọt tháng ba.

Những tia nắng như trôi trên sông chở tôi về với miền xa vắng. Nơi đó có cánh chuồn chấp chới cầu ao, có tiếng mẹ gọi vang động một góc vườn, có những buổi trưa trốn ngủ vùng vẫy sông quê. Mọi thứ như vừa mới hôm qua đây thôi, không chút phai nhạt.

Không biết tháng ba ở xứ người có chút tín hiệu gì để nhắc nhớ về những tháng ba xứ mình. Tôi thường nghĩ vậy trong lúc nhớ về tháng ngày đã qua. Có còn ai nhớ lời hẹn ước trẻ thơ, cái nắm tay nhau giữa bầu trời đêm đầy sao nói chuyện tương lai, ai còn nhớ những mùa hoa dại trắng xóa bên đường, chỉ để hái kết thành vòng hoa ngại ngùng tặng nhau.

Mỗi tháng ba qua, tôi lại nhớ đến bà - người phụ nữ rời quê làm dâu xứ lạ. Tuổi thơ tôi đậm dày hình ảnh bà đứng trên bến sông nhìn về phía xa xăm. Hồi đó, tôi vẫn thường hỏi bà rằng “ở phía đó có gì”, bà xoa đầu nhìn tôi rồi đáp “ở đó có những chân trời”. Khi đó tôi chưa thể hiểu được lời bà, chỉ biết ở đó có những người thân của bà, có quê hương xứ sở.

Bà nói, ở quê bà tháng ba, cây gạo đầu làng sẽ nở, thắp lửa lên bầu trời. Khoảng trời đỏ ói, nhuộm đời tươi rói đó là tuổi thơ, là ký ức không thể nào quên của bà. Cho nên mỗi độ tháng ba về, tôi lại thấy bà đứng tần ngần nhìn bâng quơ trước sân. Những lúc đó, tôi thường chạy đến nắm tay bà cùng nhau nhìn hoa nắng rơi đầy bên hiên.

Minh họa: Trà My

Tôi rời quê lên phố trọ học với những tháng ngày biền biệt phương xa. Chỉ còn bà ở lại với khoảng trời tháng ba xanh biếc. Những cuộc trở về thưa thớt dần, cuộc sống cuốn tôi xa hun hút. Để những tháng ba quê nhà cứ làm đau bà trong chiều xa vắng. Tôi đã dần quên lời hứa cùng bà về quê, ngắm cây gạo đầu làng nở bừng trong nắng sớm. Để xem nó có phải như những đóm lửa bập bừng rực cháy như lời bà không?

Hình dung cảnh bà đứng trước hiên nhà mơ về loài hoa gạo rồi đến trông chờ bóng dáng thân quen của đứa cháu nhỏ vẫn thường lẽo đẽo theo bà suốt ngày làm tôi đau nhói. Là niềm mong chờ của người khác đôi khi cũng là một thứ cảm giác tội lỗi. Bà đã đứng ở đó trông mãi về nơi xa, cho đến khi tóc bà bạc trắng, làn da trổ đồi mồi loang lổ, mắt mờ. Nhưng bà vẫn đứng tựa vào gốc bần già nheo mắt nhìn về phía xa. Và tôi biết, ở phương xa đó, bà có thêm một nỗi trông chờ.

Bà mất vào một ngày tháng ba đầy gió. Con sông trước nhà lững lờ trôi, đưa cụm lục bình đi mải miết. Tôi đã đứng thẫn thờ rất lâu trước di ảnh bà, vẫn nụ cười đó, dáng hình đó nhưng giờ chỉ những mảnh ký ức rời, không thể nào chỉnh sửa được. Tôi đã không thể đưa bà về thăm lại quê hương, đi trên con đường làng quanh co, ngắm nhìn làng quê cổ kính nép mình sau chùm hoa gạo. Nước mắt là thứ không thể bù đắp được hết những lỡ lầm, nuối tiếc. Ngoài sân những tia nắng nhuộm đời xanh biếc, chợt tôi thấy mơ màng một chùm hoa gạo trước hiên nhà. Rực rỡ như một ngọn lửa không bao giờ tắt…

Huỳnh Thị Kim Cương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khởi sắc xã vùng sâu Ea Sin
Ea Sin là xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Búk hiện đang đổi thay nhờ những dự án hỗ trợ hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.