Multimedia Đọc Báo in

Cảm thức “phồn sinh”, lay thức buổi giao mùa

10:42, 01/05/2024

Tháng Tư

Đến tháng Tư mọi chuyện xong rồi

Cây đủ lá cánh hoa rơi vào đất

Ông mặt trời đủ đầy để gay gắt

Đất mỡ màu ngủ lịm dưới bóng râm

 

Những khu vườn đã ấm tổ chim

Cành cây trĩu những lời trống mái

Lứa quả đầu mùa vừa hết ngày non dại

Xanh lên tin tưởng dưới bầu trời

 

Tháng Tư về yên tĩnh lòng tôi

Bầy ong khép vòng bay cần mẫn

Những dòng sông lững thững đi ra biển

Cánh đồng vạm vỡ tuổi hai mươi

 

Đến tháng Tư mọi chuyện tưởng xong rồi

Chớm chút trời xanh thoáng hè non nớt

Chiều nay ngọn gió bất ngờ cơn mưa bất chợt

Nắng sau mưa óng ánh đến nghi ngờ

 

Tôi như cây sau bất chợt cơn mưa.

Nguyễn Linh Khiếu

Nguyễn Linh Khiếu làm thơ với một hệ hình thẩm mĩ hiện đại và cảm quan nghệ thuật mới mẻ, độc đáo. Các tập thơ Chùm mơ tiên cảm (1991), Mùa thiêng (1995), Hoa linh (2000) và gần đây là trường ca Phồn sinh (2018) đã minh chứng cho điều đó. Bài thơ Tháng Tư được ông viết vào năm 1983 đã có những phát hiện tinh tế và mang đậm dấu ấn cá nhân qua cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên đất trời và cả lòng người vào buổi giao mùa. Tất cả hiện lên vừa thanh khiết, trang hoàng, vừa “phồn sinh”, lay thức trái tim người nghệ sĩ khi rung lên những điệu nhạc khác thường “như cây sau bất chợt cơn mưa”.

Trước tiên là tín hiệu đất trời bước sang khoảnh khắc chuyển giao – mùa xuân tròn đầy, viên mãn khép lại một vòng quay và tháng Tư bồi hồi đang gõ cửa. Câu thơ mở đầu báo hiệu sự việc đã rồi mang chút ngẩn ngơ, tiếc nuối của chủ thể trữ tình tác giả: “Đến tháng Tư mọi chuyện xong rồi”. Hình ảnh cây cối đang tràn đầy màu xanh của lá và hoa xuân đã tàn tạ lặng rơi vào đất đai âm thầm, không còn là nụ, là búp như hồi mới tháng Giêng tinh khôi nữa. Mặt trời chiếu những tia nắng chói chang gay gắt, khu vườn ríu rít chim muông và những cánh đồng đang căng tràn nhựa sống. Trong đó dấu hiệu thay đổi rõ nét nhất của thời tiết chính là hình ảnh mặt trời chói chang đến gay gắt, báo hiệu một sự chuyển mùa từ xuân sang hè thật lộng lẫy:

Đến tháng Tư mọi chuyện xong rồi

Cây đủ lá cánh hoa rơi vào đất

Ông Mặt trời đủ đầy để gay gắt

Đất mỡ màu ngủ lịm dưới bóng râm

Trong cảm nhận về sự đủ đầy của mùa xuân, sự căng tràn sức sống từ vẻ đẹp thiên nhiên, nhà thơ thật tinh tế khi hòa phối các giác quan một cách ấn tượng, nhờ đó đã mang lại những câu thơ giàu cảm thức tượng trưng, siêu thực. Trong khổ thơ thứ hai, hình ảnh tổ chim ríu rít trên cành trao nhau lời ái ân sâu đậm, có cảm giác như cành cây xanh cũng đang trĩu xuống. Thú vị là âm thanh “lời trống mái” nghe được từ thính giác đã chuyển sang cảm nhận của thị giác qua từ “trĩu” thật biểu cảm. Thêm nữa, lứa quả đầu mùa “vừa hết ngày non dại”, nghĩa là đã đi qua trọn vẹn một mùa giờ đang rạo rực lên xanh, mở ra tin yêu ngọt lành và hy vọng cho sự sống mới tràn đầy kế tiếp. Quả vậy, qua cái nhìn của nhà thơ, sự sống không bao giờ dừng lại, tất cả luôn vận động, phồn sinh vô tận vô cùng:

Những khu vườn đã ấm tổ chim

Cành cây trĩu những lời trống mái

Lứa quả đầu mùa vừa hết ngày non dại

Xanh lên tin tưởng dưới bầu trời

Thấu cảm được sự vận động của thiên nhiên trời đất, nhân vật trữ tình soi vào lòng mình và nhận ra sự khép mở cũng diệu kỳ đến thế. Tháng Tư về, cõi lòng yên tĩnh sau bao nhiêu cần mẫn, say mê như bầy ong kia suốt một đời đi tìm hoa hút mật giờ đây khép lại cánh bay. Soi chiếu rộng hơn qua không gian, cõi lòng yên tĩnh cũng như dòng sông xuôi về với biển bao la, trả lại phù sa cho bãi bồi, tạo nên những cánh đồng căng tràn nhựa sống:

Tháng Tư về yên tĩnh lòng tôi

Bầy ong khép vòng bay cần mẫn

Những dòng sông lững thững đi ra biển

Cánh đồng vạm vỡ tuổi hai mươi

Vì thế, với nhân vật trữ tình, chuyện tưởng đã xong rồi mà hóa ra chưa xong qua cái nhìn từ thiên nhiên thật dễ thương, trìu mến. Điều đó được Nguyễn Linh Khiếu biểu đạt rõ nét nhất ở khổ thơ cuối bài:

Đến tháng Tư mọi chuyện tưởng xong rồi

Chớm chút trời xanh thoáng hè non nớt

Chiều nay ngọn gió bất ngờ cơn mưa bất chợt

Nắng sau mưa óng ánh đến nghi ngờ

Mùa xuân khép lại, tháng Tư bắt đầu, thoáng chút hè non nớt như đang cựa quậy cùng với trời xanh xa thẳm. Những câu thơ lóng lánh, ngân rung một niềm giao cảm, đồng thời thể hiện biết bao suy tư, chiêm nghiệm của nhà thơ về lẽ sống của tự nhiên và cả cuộc đời. Gió bất ngờ, mưa bất chợt, nắng sau mưa… hay đó cũng chính là cõi hồn của nhân vật trữ tình đang lắng nghe những xuyến xao bất chợt:

Tôi như cây sau bất chợt cơn mưa.

Câu thơ khép lại bài thơ nhưng lại mở ra bao điều ý vị, lắng sâu, giàu cảm thức “phồn sinh” và có khả năng lay thức tâm hồn người đọc. Nguyễn Linh Khiếu sử dụng phép tu từ nghệ thuật kép, vừa so sánh vừa ẩn dụ qua hình ảnh thơ “như cây sau bất chợt cơn mưa”. Phải chăng cơn mưa đã tắm gội tràn trề cho cây, khoác lên cây bao mùa hy vọng tươi nguyên khi tháng Tư vừa đến? Dù lá đã đủ đầy, hoa đã rơi vào đất sau mùa xuân kết thúc, nhưng vẫn còn đó những “xanh lên tin tưởng dưới bầu trời” thì mọi chuyện chỉ là mới bắt đầu. Sâu lắng hơn, tâm hồn nhà thơ – tâm trạng của nhân vật trữ tình trong giây phút giao mùa cũng “óng ánh đến nghi ngờ”, xao động tâm tư với bao điều không sao giãi bày hết được.

Lê Thành Văn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.