Multimedia Đọc Báo in

Tháng năm và nước mắt của mẹ

08:49, 27/05/2024

Tháng năm

Tháng năm con về sau chiến tranh

Gặp lại mẹ trong nước mắt

Mẹ ơi hòa bình rồi! sao vẫn khóc

Mẹ ơi!

 

Tháng năm ta đi qua chiến tranh

Đi qua những cuộc chia tay không ngày gặp mặt

Tháng năm đi qua nỗi đau

Biết bao tuổi xuân vùi trong lòng đất

 

Tháng năm lúa chín đầy đồng

Vắng nhiều gái trai trong mùa gặt

Máu xương họ có trong từng hạt thóc

Đất đai mình thành đất đai thiêng

 

Tháng năm anh đi cùng em

Thăm lại những con đường thủa nhỏ

Tháng năm các loài hoa đều nở

Bát ngát mặt hồ, gió đẫm hương sen

 

Tháng năm đi qua những năm tháng đao binh

Trong cuộc chiến nào, nhân dân vẫn mất!

Các con không về là nỗi đau lớn nhất

Người lính nào - với mẹ cũng sinh linh!

Con giờ đây đứng trước mẹ nguyên lành

Dưới nắng tháng năm nồng nàn Tổ quốc

Mẹ ơi hòa bình rồi!

Đừng khóc

Mẹ ơi!

Phan Xuân Sơn

Tác giả Phan Xuân Sơn nêu tựa đề bài thơ nhẹ nhàng mà ngắn gọn “Tháng năm” – vốn là tháng mà thời gian đi qua như bao tháng, năm khác, nhưng khi đọc trọn bài thơ nó lại gợi cho người đọc cảm xúc hết sức thân thương, gợi lên rất nhiều nghĩ suy về một thời khói lửa chiến tranh đã qua.

Chiến tranh đã kết thúc bằng khúc khải hoàn ca nhưng cũng đọng lại nhiều vết thương lòng không thể nào nguôi: “Tháng năm con về sau chiến tranh/ Gặp lại mẹ trong nước mắt/ Mẹ ơi hòa bình rồi! Sao vẫn khóc/ Mẹ ơi!”.

Đấy là giọt nước mắt hạnh phúc của người mẹ, hạnh phúc của đoàn tụ khi đất nước lập lại hòa bình, khi người con trở về bằng xương bằng thịt: “Tháng năm ta đi qua chiến tranh/ Đi qua những cuộc chia tay không ngày gặp mặt/ Tháng năm đi qua nỗi đau/ Biết bao tuổi xuân vùi trong lòng đất/ Tháng năm lúa chín đầy đồng/ Vắng nhiều gái trai trong mùa gặt/ Máu xương họ có trong từng hạt thóc/ Đất đai mình thành đất đai thiêng”.

Bài thơ không chia theo cấu trúc lối thơ chặt chẽ mà được viết lên từ chính cảm xúc hết sức tự nhiên, lắng sâu trong sự xúc động của tác giả. Và chính tác giả là nhân vật được hóa thân trong bài thơ – một người lính trở về sau chiến tranh: mất nhiều – được nhiều. Sự mất - còn ở đây được giãi bày qua khổ thơ vô cùng sâu lắng. Những cuộc chia tay không ngày gặp lại. Đó chính là bạn bè cùng trang lứa ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc – họ đã không trở về “biết bao tuổi xuân vùi trong lòng đất”. Câu thơ “Máu xương họ có trong từng hạt thóc/ Đất đai mình thành đất đai thiêng” thật đắt giá. Để rồi họ nhớ về tuổi thơ, nhớ những kỷ niệm đẹp: “Tháng năm anh đi cùng em/ Thăm lại những con đường thủa nhỏ/Tháng năm các loài hoa đều nở/ Bát ngát mặt hồ, gió đẫm hương sen”.

Lời thơ sâu lắng, cảm giác như tất cả mọi thứ đều lặng im để dồn nén hết vào kỷ niệm bởi sự xúc động quá đỗi. Sự trở về giờ đây chỉ còn là số ít, số lẻ mà thôi.

“Tháng năm đi qua những năm tháng đao binh/ Trong cuộc chiến nào, nhân dân vẫn mất!/ Các con không về là nỗi đau lớn nhất/ Người lính nào - với mẹ cũng sinh linh!”. Khổ thơ có sự đảo từ rất nghệ thuật, “tháng năm” - “năm tháng” gợi cho người đọc về triết lý thời gian. Sự được - mất ở đây không đo đếm, cân đong được. Tất cả những người con trai, con gái khi ra đi là con của mỗi nhà nhưng khi không trở về đều là nỗi đau chung.

Cả bài thơ không viết theo luật. Khổ thơ cuối thả thể tự do nhưng nhà thơ biểu cảm được hết nỗi xúc động về sự có mặt ngày trở về sau chiến tranh, được gặp lại mẹ. Kết bài vẫn là hình ảnh người mẹ khóc. Khóc trong nỗi mất mát và khóc cho niềm hân hoan chiến thắng hòa bình: “Con giờ đây đứng trước mẹ nguyên lành/ Dưới nắng tháng năm nồng nàn Tổ quốc/ Mẹ ơi hòa bình rồi!/ Đừng khóc / Mẹ ơi!”.

Vân Lam


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.