Multimedia Đọc Báo in

Hai bài thơ hay về phố núi Tây Nguyên

08:41, 27/06/2024

Tây Nguyên được xem là vùng đất của thi ca nhạc họa. Vùng đất này là cảm hứng cho biết bao vần thơ đã đi cùng năm tháng trong ký ức bao người…

Tác giả Vũ Hữu Định có bài thơ nổi tiếng về phố núi Pleiku (Gia Lai) với tên gọi “Còn chút gì để nhớ”. Bài thơ bắt đầu bằng những mô tả và cảm giác quen thuộc của phố xá cao nguyên: “Phố núi cao, phố núi đầy sương/ Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn/ Anh khách lạ đi lên đi xuống/ May mà có em đời còn dễ thương”.

Nhân vật chính ra mắt ngay câu cuối của khổ thơ đầu, báo hiệu sẽ dẫn dắt bài thơ đi theo lối của mình: “Em Pleiku má đỏ môi hồng/ Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông/ Nên tóc em ướt và mắt em ướt/ Nên em mềm như mây chiều buông”. Khung cảnh thật lãng mạn và con người cũng thế, nhân vật trữ tình trung tâm là một cô gái má đỏ, môi hồng, tóc và mắt ướt bởi sương chiều mềm mại như hình hài thiếu nữ. Cách ví von trong câu cuối vừa có tính tả thực lại vừa tinh tế, nhẹ nhàng.

“Phố núi cao phố núi trời gần/ Phố xá không xa nên phố tình thân/ Ði dăm phút đã về chốn cũ/ Một buổi chiều nao lòng bỗng bâng khuâng”. Vẫn điệp khúc phố núi cao, vẫn là những mô tả khá chính xác về đặc trưng phố núi. Địa hình và thời tiết, cảnh sắc dễ làm con người gần lại với nhau. Nhưng có lẽ thiên nhiên cũng chỉ là cái cớ, để rồi “Một buổi chiều nao lòng thấy bâng khuâng” chắc là nhớ về người con gái “tóc ướt, mắt ướt” lại  “mềm như mây chiều buông”. Căn bệnh tương tư của những lứa đôi đã có dấu hiệu bắt đầu… Mọi thứ vẫn tế nhị, đáng yêu.

“Xin cảm ơn thành phố có em/ Xin cảm ơn một mái tóc mềm…”. Bài thơ khép lại bằng một lời cảm ơn cũng thật từ tốn và nào đã có “chuyện gì” đâu nên vẫn có khoảng cách giữa hai người, cho dẫu “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e” rồi câu kết bài thơ: “Còn một chút gì để nhớ để quên” cứ ngân nga không dứt…

Đà Lạt, mùa đi ngang phố. Ảnh: Võ Trang
Đà Lạt, mùa đi ngang phố. Ảnh: Võ Trang

Còn trong bài thơ “Đà Lạt của tôi”, nhà thơ Thanh Thảo có cách nhìn khác lạ về thành phố ngàn hoa nổi tiếng xinh đẹp, kiêu kỳ và lãng mạn: “Đà Lạt của tôi là gánh bún bò/ chợ Âm phủ”.

Đúng là khác người, không phải là hoa, là thông, là thác Cam Ly, là Thung lũng Tình yêu… những hình ảnh thật thi vị thường được xem là đặc trưng của xứ hoa đào. Một Đà Lạt khác hẳn từ phía rất đời thường, thậm chí dường như có gì bụi bặm, lam lũ nhưng thật gần gũi, đáng yêu của đời sống cần lao quen thuộc. Đúng rồi, nó như là gánh bún bò xứ Huế, là chợ Âm Phủ của những nông dân, tiểu thương tảo tần hôm sớm. Những tên gọi và ẩm thực thân thuộc tưởng không còn gì lạ nhưng khi bước vào thơ lại gây ấn tượng.

“Đà Lạt của tôi là đôi mắt buồn/ tỏa xuống những ngọn đồi im ngủ”. Núi đồi đã xuất hiện nhưng không phải để chế ngự con người mà hiện ra dưới đôi mắt buồn, hình như là của một cô gái…

“Đà Lạt của tôi sương dâng từ nách phố nghèo/ thơm rau ngò”. Sương cũng đã bước ra sân khấu thi ca nhưng không đài các, mộng mị bởi tính chất bình dân của “nách phố nghèo”. Và rồi: “Đà Lạt của tôi em nhìn không nói/ nhìn không nói/ không nói/ không”.

Nhân vật chính đã xuất hiện, là một cô gái, vẫn với đôi mắt nhìn không nói, đầy bí ẩn, ngôn từ câu thơ như những bậc tam cấp đi xuống và chữ từng câu lần lượt ít dần. Có lẽ tất cả đều im lặng, không ồn ào, thậm chí cả không đối thoại, chỉ nhìn nhau và không nói, tất cả diễn ra trong lặng lẽ.

Bài thơ cũng là một phát hiện và đóng góp cái nhìn độc đáo, thú vị về phố núi Tây Nguyên.

Phạm Xuân Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.