Nhà thơ Bùi Minh Vũ và tình yêu đại ngàn
Đến nay, nhà thơ Bùi Minh Vũ đã xuất bản 16 tập thơ, trong đó “Màu thổ cẩm” được Giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật (năm 2019) và “Lão ngư Kỳ Tân” được trao giải Ba Hội Nhà văn Việt Nam (năm 2020). Bùi Minh Vũ còn là nhà văn, tác giả của 5 tiểu thuyết.
“Những tiếng đàn hồng” là tập thơ mới nhất của Bùi Minh Vũ, gồm 114 bài. Không biết có phải đến tập thơ này mới tạo ra “Căn cước của Vũ”, như tên bài tựa của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, song “... tràn ngập Tây Nguyên. Tây Nguyên là cánh đồng cảm xúc thơ ca của Vũ. Thơ Vũ là núi đồi, sông suối, rừng cây, nương rẫy, rượu cần, cây cỏ...” thì mở tập thơ ra đã thấy.
Bùi Minh Vũ yêu từng cây cỏ, tiếng chim... thuộc về đại ngàn. Sinh thái của đại ngàn mất đi, đọng lại trong ông thành “nỗi nhớ tráng lệ”. “Làm sao vẽ chân dung/ tiếng khóc của con thú rợn gào/ như tiếng người” (Thú rừng); “Thú thật nỗi nhớ tráng lệ/ Chẳng có gì bù đắp/ Giữa những đổi thay/ Hình như/ Rẫy đang trôi về phía trước” (Hai lần nhớ rẫy).
Bùi Minh Vũ nói rằng, ông xót xa khi rừng Tây Nguyên đã và đang biến mất bởi con người, văn hóa các dân tộc anh em – vốn là dân bản địa của Tây Nguyên đang bị mai một, trẻ con gần như không còn biết đến sử thi Tây Nguyên. Đó là cảm xúc bật lên “Những tiếng đàn hồng” – trở thành tên chung của tập thơ; “Rừng sẽ không già/ khi tóc rừng là những tiếng đàn hồng”. Và Bùi Minh Vũ có những suy tư độc đáo: “Khi bạn đọc thơ cho rừng nghe/ Rừng vỗ tay bằng tiếng suối chảy/ Khi bạn tự ý vào rừng/ Những tiếng đàn hồng che khuất lối ra” (Những tiếng đàn hồng).
Bùi Minh Vũ vốn là sinh viên khoa Văn – Đại học Tổng hợp Huế. Ông từng tham gia bộ đội bảo vệ biên giới Tây Nam, năm 1988 rời quân ngũ ông đặt chân lên Tây Nguyên, gắn bó với Đắk Lắk.
Hỏi ông, vì sao trong “Những tiếng đàn hồng”, có nhiều bài thơ về rẫy, tâm thế... ngóng rẫy? Hóa ra, khi lên Tây Nguyên sinh sống, vợ ông làm rẫy để nuôi... nhà thơ. Say mê văn hóa bản địa, gần 30 năm qua, Bùi Minh Vũ rong ruổi khắp “hang cùng, ngõ hẻm” các buôn, làng ở Đắk Lắk, có mặt hầu như ở những vùng sâu, vùng xa nhất, cùng ăn, cùng ở với bà con đồng bào dân tộc thiểu số để sưu tầm, ghi âm lại các câu chuyện cổ, sử thi, luật tục… Bùi Minh Vũ trở thành một nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc ở Tây Nguyên, đến nay ông đã công bố 22 tác phẩm (11 trong số này đồng tác giả) sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa dân gian Tây Nguyên.
Là nhà thơ, Bùi Minh Vũ quan tâm đến đời sống thi ca. Trước những nhìn nhận về thơ hiện nay với hôm nay, Bùi Minh Vũ triết luận: “Tôi cho rằng thơ là linh hồn của văn hóa, linh hồn của văn học. Thơ đã cùng dân tộc ta đi đánh giặc. Thơ không bao giờ “chết” đâu, dẫu cuộc sống ngày càng số hóa”.
Ngô Đức Hành
Ý kiến bạn đọc