Multimedia Đọc Báo in

Dã quỳ vàng tươi ký ức

16:13, 26/09/2024

Khi tôi lên xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đã thấy những con đường hoa quỳ rực vàng dưới nắng, ánh lên một sự hân hoan cơ hồ lạ lẫm ở vùng sơn cước biên viễn.

Hỏi chuyện mới biết con đường hoa này nằm trong kế hoạch triển khai của Quỹ Phát triển con đường hoa Quảng Trị do nhà báo Lâm Chí Công và cộng sự đắc lực là nhà thơ Yên Mã Sơn điều hành hoạt động có hiệu quả ở nhiều nơi trong tỉnh. Đây cũng là một gợi ý từ màu hoa dã quỳ Tây Nguyên

hoa dã quỳ. Ảnh: X. Việt
Dã quỳ nở rộ ven rẫy của người dân. Ảnh: X. Việt

Những con đường hoa dã quỳ của Tây Nguyên mà tôi đã qua lại mòn dấu chân bỗng thức dậy trong tâm tưởng vàng tươi ký ức. Tây Nguyên là “vương quốc” hoa dã quỳ, bạt ngàn hoa dại ven những con đường dọc ngang núi rừng, buôn làng, phố xá… Một loại hoa dại nói theo kiểu dân gian là trời sinh ra thế. Một loài hoa giản dị, hoang dã, không đài các, kiêu sa từ lâu đã trở thành một biểu tượng của Tây Nguyên.

Nói đến hoa Tây Nguyên, người ta nhắc đến quỳ vàng và ngược lại dù nhiều vùng đất khác cũng có loại hoa này. 

Chính loài hoa chân mộc và hoang dại ấy là cảm hứng của thi ca.

Trong bài thơ “Hoa quỳ vàng”, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã có một cách cảm nhận và miêu tả khá lạ về loài hoa này, một góc nhìn khác với cách ngắt nhịp, hình ảnh tưởng chừng cô đặc lại như là điêu khắc, chạm trổ, tinh tế và đằm sâu:   “… Đã sang thu?/ Là hạ?/ Vẫn là đông?/ Không cao thấp/ Sao chập chùng/ Ẩn hiện?/ Hoa quỳ vàng/ Nghiêng nghiêng/ Cánh mỏng/ Hồn cao nguyên/ Nương náu/ Đến bao dung…”.

Thi sĩ Phạm Thiên Thư từng có một bài thơ nổi tiếng “Động hoa vàng” mà xuất xứ là vì cảm nhận hoa vàng trước ngõ, dù chưa chắc là hoa quỳ vàng nhưng vẫn ám gợi đến sắc màu hoa ấy, như một miên trường ảo diệu chiêm bao mang bóng dáng một công án thơ ngay giữa thời hiện đại của văn minh cơ khí.

Một bài thơ dài, đúng hơn là trường ca, trường thi với 100 đoản khúc, một khúc 4 câu, với những câu thơ quen thuộc với những người yêu văn chương: “Ừ thì mình ngại mưa mau/ Cũng đưa anh đến bên cầu nước xuôi/ Sông này chảy một dòng thôi/ Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông/ Ngày xưa em chửa theo chồng/ Mùa xuân em mặc áo hồng đào rơi/ Mùa thu áo biếc da trời/ Sang đông em lại đổi dời áo hoa/ Đường về hái nụ mù sa/ Đưa theo dài một nương cà tím thôi/ Thôi thì em chẳng yêu tôi/ Leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng”.

Thổn thức cùng dã quỳ. Ảnh: Nguyên Dung
Thổn thức cùng dã quỳ. Ảnh: Nguyên Dung

Và không thể không nhắc tới khổ thơ với những câu nằm lòng trong tâm hồn của bao người tri âm thơ/ nhạc: “Ta về rũ áo mây trôi/ Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan/ Rằng xưa có gã từ quan/ Lên non tìm động hoa vàng ngủ say”.

Những câu thơ óng ánh tựa vàng mười, lại đượm vẻ hoang sơ, tự tại như chính bản thể thiên nhiên, thanh tân, thoát tục. Nhạc sĩ Phạm Duy đã biến hóa những câu thơ kinh điển thành một bản nhạc tài danh như những tiếng chuông bên bờ suối khe mộng mị, đưa người nghe vào một cảnh giới khác. Đó là bài hát  “Đưa em tìm động hoa vàng” phổ thơ Phạm Thiên Thư.

Và cứ như thế loài hoa ấy, như một ám ảnh, cứ vàng tươi ký ức khôn nguôi…

Phạm Xuân Dũng


Ý kiến bạn đọc