Multimedia Đọc Báo in

Mía

05:31, 29/09/2024

Ngày nhỏ anh em tôi thích ngọt.

Biết ý con nên quà chợ mẹ hay mua mía. Những cây mía được người bán bó thành bó to vác ra chợ kèm con dao bén. Ưng mua cây nào, ngã giá xong xuôi anh bán mía sẽ rút roẹt cây ra khỏi bó, vung dao chặt bụp bụp. Những nhát chặt xéo điệu nghệ đứt chỉ độ 3/4 thân, cách đều nhau không cần đo đếm. Chặt xong anh thoăn thoắt bẻ gập khiến cây mía dài nghêu lập tức biến thành… bó mía nhỏ, xinh, bỏ gọn được vô giỏ!

Con đông, mua mía chợ hoài tốn tiền nên mẹ bảo ba… trồng mía! Khổ, vườn nhà tôi rộng nhưng toàn đất thịt, trồng mía cây lên tốt rợp trời song… không ngọt! Để mía già tới mức nào thì lúc ăn cũng chỉ một vị ngon ngót, mằn mặn. Kệ, có còn hơn không. Những buổi ba mẹ đi làm anh em ở nhà không có gì nhai lại hò nhau chặt mía.  

Thấy lũ nhỏ hít mía nhạt hoài, ba thương mới bày cách đem mía ra… phơi nắng! Thiệt. Những cây mía, sau khi quăng ra nắng vài ba hôm, ăn hơi khô nhưng vị ngọt hơn hẳn. Anh Hai thừa thắng xông lên, "phát huy" cái sáng kiến này bằng cách đi… xin ngọn mía của người ta chặt bỏ về phơi ăn! Mẹ biết, la cho một trận, cấm tiệt.

*

Tôi tốt nghiệp ngành sư phạm, ra trường xung phong lên miền núi công tác. Trường nằm vùng bán sơn địa, bạt ngàn mía là mía. Ngày ngày lên trường, chạy xe ngang qua những ruộng mía rì rào lô nhô tôi hay dòm rồi… nuốt nước bọt!

Học trò hỏi: cô thèm mía hả cô? Tôi về tới cửa nội trú đã thấy chúng lễ mễ ôm bó mía róc gọn đầu đuôi, chà rửa sạch sẽ đến… tặng cô! Bó mía mềm, ngọt nhưng hơi nhỏ. Bao nhiêu đó cô "xay" đâu hơn tiếng đồng hồ là hết. Vẫn thòm thèm. Ra chợ tìm mua: hóa ra đây "vùng mía" nên chợ không ai bán mía!

Minh họa: Trà My

Chiều ấy khoanh ruộng mía gần trường đang phát. Những thân mía suôn đuột, vàng óng chất lề đường từng đống to đợi chuyển đi.

Thèm quá, cô giáo ghé hỏi mua. Ông chủ đang bốc mía lên xe, gạt mồ hôi chảy ròng, đáp qua: mía đám mà bán chác gì cô, cô thích lấy nhiêu cứ lấy! Mừng quá, lựa bốn năm cây mía ngon, cảm ơn xong vác về.

Lấy dao chặt khúc rồi hớn hở bập răng vào đầu gióng mía. Trời ơi, nó cứng còn hơn mía già đoạn sát gốc, gắng nhai đâu được nửa khúc là bỏ cuộc, toét lưỡi, rệu răng! Mai lên trường kể chuyện, lũ học trò cười lăn: mía đó để… nấu đường, sao ăn được cô ơi! Vậy hôm trước bọn em cho cô…

Dạ, đó là mía xanh ăn được, trồng rẫy riêng… Hiểu rồi, té ra cô giáo tôi "lạc hậu" với thời thế quá lâu, cứ tưởng mía nào cũng có thể đem ăn! Từ bữa ấy, lũ nhỏ thỏa thuận nhau sao mà cứ vài ba hôm trước cửa phòng cô lại… lủng lẳng treo bó mía (xanh). Hỏi, không đứa nào chịu nhận, cứ bụm miệng cười…

*

Tôi thuyên chuyển về xuôi xa đám học trò thân yêu. Ngày chia tay, quà cáp học trò mang cho cô vẫn có bó mía. Những lóng mía ngọt lịm, chúng đâu hay tôi vừa ăn vừa chảy nước mắt!

Về quê, ba mẹ từ lâu đã thành người thiên cổ. Chợ quê giờ vẫn bán mía. Những túi mía róc sạch vỏ trắng phau về cho vào tủ lạnh dự trữ tha hồ ăn. Có điều răng tôi giờ đã yếu. Con gái kêu: mẹ ơi, mua… ly nước mía uống phứt cho gọn, bày ăn mía cây dọn dẹp cực lắm… Nó nói không phải không có lý. Niềm vui của một thế hệ, của thời ấu thơ giờ đã trôi xa. Cuộc sống khác rồi…

Y Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk - Dấu ấn những di tích lịch sử
Đắk Lắk là vùng đất lịch sử lâu đời, truyền thống cách mạng hào hùng với nhiều di tích lịch sử. Đây là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và bao thế hệ tìm về, để tìm hiểu về truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa của các dân tộc tỉnh Đắk Lắk.