Multimedia Đọc Báo in

Khi cảm hứng thi sĩ gặp cảm thức lịch sử

08:20, 21/10/2024

Đám cưới Huyền Trân

Nghe đồn vua xứ Chà Bàn

Dâng miền Ô Lý rước nàng vu quy

Tôi mang rượu đến biên thùy

Hắt lên mây trắng biệt ly cả cười

 

Thân không tấc đất cắm dùi

Bể sông thi phú trăng trời phong sương

Cắn răng nhường bậc đế vương

Gươm cùn quẳng xuống vệ đường nhân duyên

 

Thôi nàng hãy tạm nguôi quên

Tôi chàng trai Việt còn trên đời này

Quyết thâu trăm họ về tay

Binh nhung ruổi chốn lưu đày tìm nhau

Nguyễn Thanh Mừng

“Tôi mang rượu đến biên thùy/ Hắt lên mây trắng biệt ly cả cười” là hai câu trong bài “Đám cưới Huyền Trân” của Nguyễn Thanh Mừng, mà tôi vừa bắt được. Cảm thức lịch sử và cảm hứng thi sĩ đã gặp nhau và hóa giải được nỗi đau của nàng Huyền Trân trong bi tráng lịch sử “đổi đất lấy công trình” ở thế kỷ 14, mà Mừng viết “thêm”.

Trong nỗi lòng dân Việt, đau nhất là chàng trai này, khi người yêu buộc phải đi lấy vua họ Chế. Nỗi đau cõi lòng biên ải. Thi sĩ đã thấu được nỗi chua chát của kẻ thất tình. Lịch sử là việc không thể thay đổi, bổ sung hay sửa sai. Vấn đề là nhà sử học có dám ghi lại và nhà văn học có đủ sức cảm thông. Nhà thơ đã tri âm nỗi niềm nàng Huyền Trân và “chạm đến thâm sâu” trong hồn cốt chàng trai này.

Hình như trong nhiều nỗi đau của người đàn ông, sự bị mua người tình là điều thật khó bỏ qua. Thế nên cũng trong bài “Đám cưới Huyền Trân”, Nguyễn Thanh Mừng tiếp: Tôi chàng trai Việt còn trên đời này/ Quyết thâu trăm họ về tay.

Nghe nói người yêu của Huyền Trân là quan trụ cột nhà Trần. Thi sĩ thì “Thân không tấc đất cắm dùi/ Bể sông thi phú trăng trời phong sương”. Vài nét lý lịch hàn sĩ cho thấy nhà thơ viết tiếp chứ không phải viết lại, tức không phải minh họa lịch sử. Điều này dễ tìm sự đồng cảm của những chàng trai Việt thời đại với nàng công chúa Đại Việt quốc sắc thiên hương - một tiên nữ giáng thế, về làm dâu Đồ Bàn, quê hương Bình Định của Nguyễn Thanh Mừng. Huyền Trân không có tuổi.

Dải đất Việt, có một nơi gọi là xứ Nẫu, gồm Bình Định và Phú Yên. Bình Định xưa là Đồ Bàn, Phú Yên xưa là Hoa Anh; cả hai từa tựa giọng nói, âm “ỗi” phát thành “ẫu”, ví như “nỗi niềm” phát là “nẫu niềm”. Chữ “Nẫu” thường dùng với nghĩa là người ta, thiên hạ, người dưng và cả người yêu thương. Nghĩ về nàng Huyền Trân, đọc thơ Nguyễn Thanh Mừng, tự nhiên tôi nhớ câu ca “Nẫu dìa xứ Nẫu, bỏ mình bơ dơ”... Nghe mà buồn não ruột.

Nhưng chàng không chỉ có buồn, chàng đã hành động: Binh nhung ruổi chốn lưu đày tìm nhau. Nguyễn Thanh Mừng kết “Đám cưới Huyền Trân” tại đây, và lịch sử đã sang trang vì một người đàn ông mất người đẹp, dân Việt mất một Công chúa Huyền Trân để về Chiêm Thành làm Hoàng hậu Paramecvari.

Nhắc nhớ câu chuyện con người - lịch sử này, thi sĩ đã thể hiện được tâm thức - tầm vóc mình và đất nước mình, một đất nước luôn trầm luân trong khói lửa binh đao. Rồi hóa giải lịch sử. Nỗi hoá giải nào cũng tránh sao được đắng cay phận người...

Đào Đức Tuấn


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.