Mùa vui ở lại
Sa đặt ly cà phê nóng lên bàn, vỗ nhẹ vào vai chàng trai trẻ đang lơ đãng nhìn ra ngoài ô cửa sổ:
- Long đang nghĩ gì mà say sưa thế? Hình như dạo này đang có chuyện gì khiến Long bận lòng sao?
- Lúc nào chị cũng như thể đọc được tâm trạng của tôi. Chẳng lẽ tôi dễ đoán đến thế ư?
- Là do tiếng đàn “tố cáo” Long đấy! Thanh âm người đánh đàn tạo ra phản ánh chính tâm trạng của người nghệ sĩ đó mà.
- Dù tôi không phải là nghệ sĩ nhưng lý lẽ của chị lúc nào cũng có sức thuyết phục - Long mỉm cười, nhấp một ngụm cà phê rồi lại thở dài - Tôi và bố vừa có cuộc tranh luận gay gắt qua điện thoại. Bố muốn tôi về lại Mỹ, ông nói tôi còn định chơi bời lêu lổng đến bao giờ?
- Thế Long có kể cho bố nghe về cuộc sống và công việc của mình ở Việt Nam không? Ban ngày đi dạy tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ, tối lại đến quán cà phê đánh đàn để kiếm thêm thu nhập thì không thể gọi là chơi bời lêu lổng được - Sa kéo ghế ngồi xuống đối diện Long, từ tốn hỏi.
- Từ nhỏ đến giờ tôi và bố chẳng bao giờ chia sẻ những chuyện như thế. Nói đúng hơn thì chúng tôi gần như chẳng lúc nào trò chuyện quá ba câu mà không xảy ra những bất đồng.
- Tôi thấy Long là người rất giỏi diễn đạt suy nghĩ của mình, Long chỉ cần nói chuyện với bố như cách cậu mở lòng với tôi thì sẽ ổn cả thôi.
- Kể ra thì tôi chưa bao giờ cố gắng để hiểu bố, cũng không mong bố hiểu được mình.
- Đôi khi những mối quan hệ trong gia đình lại phức tạp hơn ta tưởng, nhưng dù thế nào đi nữa Long cũng đừng quá khắt khe với bố mình. Trên đời này không có một tình yêu nào lớn bằng tình yêu của cha mẹ dành cho con cái đâu.
- Chị nói giống hệt mẹ tôi - Long vừa mỉm cười vừa cúi xuống khuấy nhẹ ly cà phê đã nguội bớt. Ngoài ban công, những lẵng hoa dạ yến thảo khẽ đung đưa trong tiết trời se lạnh cuối năm…
* * *
Long Rido là con lai giữa hai dòng máu Mỹ và Việt Nam. Hơn 40 năm trước, trong chuyến công tác dài ngày, cặp vợ chồng nhà báo người Mỹ ghé thăm trại trẻ mồ côi ở Việt Nam và đã quyết định nhận một bé gái 10 tuổi làm con nuôi. Bé gái đó chính là mẹ Long sau này.
Năm mẹ vừa bước sang tuổi 24, khi đang theo học cao học ở Boston, mẹ gặp gỡ và yêu một chàng trai hào hoa người Mỹ. Hai năm sau đó, đám cưới giữa cô gái châu Á mặc áo dài đỏ và chàng trai tóc vàng người Mỹ diễn ra long trọng ở nhà thờ lớn thành phố Boston cổ kính. Không lâu sau, Long ra đời.
Dù sinh sống ở Mỹ từ lâu, nhưng lòng mẹ luôn hướng về quê hương đất nước Việt Nam, cũng như tự hào về nguồn gốc con rồng cháu tiên của mình. Điều đó được thể hiện qua những chi tiết rất nhỏ như cái tên bà đặt cho cậu con trai. Mẹ nói vì sinh vào năm con rồng nên đã chọn tên Long, rất thuần Việt nhưng khi gọi không gây mấy khó khăn cho người phương Tây. Long được mẹ dạy tiếng Việt ngay từ khi còn nhỏ, hai mẹ con chủ yếu giao tiếp bằng ngôn ngữ này. Khác với mẹ, hồi nhỏ Long không thích vẻ ngoài quá nhiều nét Á Đông của mình. Độ tuổi đó, điều cậu mong muốn nhất là được hòa nhập với bạn bè. Ở trường học, có rất nhiều đứa trẻ xấu tính lấy vẻ ngoài khác biệt của Long để trêu chọc cợt nhả. Những lúc đó mẹ thường ôm Long vào lòng vỗ về: “Mẹ sẽ lên trường nói chuyện với cô chủ nhiệm. Nhưng có điều quan trọng này mẹ muốn con biết, rằng với mẹ, Long luôn là đứa trẻ đáng yêu nhất trên thế gian này. Rồi một ngày nào đó, sớm thôi, Long sẽ gặp những người yêu thương trân quý con vì chính bản chất tốt đẹp trong tâm hồn...”.
Khi Long học lớp 8, bác sĩ chẩn đoán mẹ bị một căn bệnh nguy hiểm. Mẹ cần tái khám liên tục, thường xuyên phải nhập viện và uống rất nhiều thuốc. Cơ thể mẹ mỗi ngày như một gầy gò suy nhược hơn. Bố trở thành trụ cột kinh tế duy nhất của gia đình, vì cần nhiều tiền chữa bệnh cho mẹ nên bố nhận rất nhiều dự án và thường xuyên phải đi công tác nước ngoài. Không rõ từ bao giờ căn nhà trở nên vắng vẻ, lạnh lẽo, thiếu tiếng cười. Mỗi ngày sau giờ học, Long thường đến bệnh viện thăm mẹ. Lúc nào mẹ cũng nói xin lỗi Long, dù mẹ chẳng có lỗi gì. Còn Long dù thương mẹ vô cùng nhưng cậu chẳng biết làm sao để mẹ khá hơn, cảm giác bất lực đến tận cùng đè nén tâm can chàng trai trẻ.
Mẹ đã chiến đấu kiên cường với căn bệnh quái ác bốn năm trước khi rời xa thế giới này. Những giây phút cuối cùng, chỉ có Long ở bên mẹ, khi ấy bố đang đi công tác nước ngoài. Lúc tinh thần vẫn còn tỉnh táo, mẹ nắm chặt tay Long dặn dò: “Những việc bố làm tất cả đều vì gia đình ta cả đấy, con hiểu điều đó mà đúng không? Bố mẹ yêu con rất nhiều! Dù không thể ở bên con, nhưng mẹ sẽ luôn dõi theo và phù hộ cho con trai của mẹ được khỏe mạnh hạnh phúc. Người Việt Nam tin như vậy đấy, con cũng biết điều này rồi đúng không?”
* * *
18 tuổi, Long học đại học xa nhà và chuyển vào ký túc xá của trường. Từ khi vắng mẹ, trong lòng anh dường như có một khoảng trống không cách gì khỏa lấp. Long trở nên ít nói, có phần lầm lì, gần như rất ít khi thể hiện cảm xúc với mọi người xung quanh. Ngay cả với bố, người đáng lẽ phải gần gũi nhất, Long cũng vô tình dựng nên một bức tường vô hình nhưng kiên cố. Chẳng biết từ bao giờ mà quan hệ cha con cứ xa dần, thậm chí đôi khi các cuộc gặp gỡ chớp nhoáng trở nên gượng gạo…
Rồi những năm đại học cũng trôi qua, bình lặng nhưng lại quá tẻ nhạt. Long ra trường và xin vào làm nhân viên cho một ngân hàng có tiếng. Trong quy chuẩn cơ bản của xã hội, Long đủ tiêu chuẩn để trở thành một người đàn ông tạm gọi là thành đạt. Tuy vậy, anh luôn biết có những vết thương lòng mãi âm ỉ nằm đó. Không còn quá nhức nhối, nhưng mãi gây dằn vặt. Và dù có thế nào đi nữa thì trái đất vẫn quay, con người ta cũng phải quay theo nó. Cuộc sống vốn là những lẽ thường tình như thế!
Vào một ngày cuối tuần nhàn rỗi nọ khi đang ngồi đọc báo trong quán cà phê, ở bàn bên cạnh, Long nghe thấy ai đó trò chuyện bằng ngôn ngữ đã lâu anh không sử dụng nhưng lại quá thân quen. Có vẻ như đó là hai bạn trẻ du học sinh người Việt, đang bàn luận gì đó về quán phở mới khai trương ở khu phố người Hoa. Hai dòng lệ nóng khẽ lăn trên má của chàng trai trẻ tự bao giờ. Chưa từng một lần đặt chân đến dải đất hình chữ S, vậy thì cớ gì giờ đây Long chợt nhớ Việt Nam da diết?
Sau hôm đó, Long đã có một quyết định táo bạo nhất trong đời mình. Anh viết đơn xin nghỉ công việc nhiều người mơ ước, bán đi chiếc xe mà mình từng coi là báu vật, dừng hợp đồng căn hộ cao cấp đang thuê; chuẩn bị cho chuyến hành trình dài ngày về Việt Nam…
* * *
Minh họa: Trà My |
Chưa đầy bốn tháng sau đó, Long có mặt tại “quê mẹ đất tổ”. Anh thuê một chiếc mô tô phân khối lớn, bắt đầu hành trình độc hành khám phá xuyên Việt của mình. Khởi hành từ thành phố Hồ Chí Minh năng động, đi qua cung đường biển tuyệt đẹp của Khánh Hòa, ăn mì quảng ở phố cổ Hội An, thăm các lăng tẩm cố đô Huế, lần đầu thử cà phê trứng tại Thủ đô Hà Nội, lên du thuyền chiêm ngưỡng vẻ đẹp trứ danh của Vịnh Hạ Long, rồi cứ thế tiếp tục đi lên các tỉnh miền núi phía Bắc hùng vĩ…
Khi chuyến hành trình được tròn một tháng, như dự định ban đầu thì Long sẽ trở về Mỹ. Nhưng lòng anh cứ mãi vấn vương, cảm thấy không nỡ rời xa. Có điều gì đó mách bảo Long, rằng anh sẽ tìm lại được chính bản thân mình ở đất nước yên bình này. Cuối cùng Long tiếp tục đưa ra một quyết định táo bạo khác, thử sống và làm việc ở Việt Nam một thời gian. Nghĩ là làm, Long ngay lập tức tìm thuê căn hộ gần trung tâm ngoại ngữ anh vừa nhận việc, bắt đầu cuộc sống mới với niềm háo hức dịu êm.
Một chiều cuối tuần, khi vô tình dừng chân trú mưa tại quán cà phê trong con hẻm nọ, Long gặp Sa. Sa hơn Long hai tuổi, là nhà thơ tự do kiêm chủ quán cà phê theo phong cách hoài cổ. Nhìn bên ngoài quán không quá đặc biệt, nhưng khi bước vào lại khiến người ta cảm thấy ấm áp gần gũi. Hôm đó Long gọi một ly cà phê phin, nói không ngoa thì đó là hương vị cà phê ngon nhất từ trước đến nay anh từng thưởng thức. Sau này khi thân thiết hơn, Long mới biết cà phê này do chính gia đình Sa ở quê nhà tự tuyển chọn, rang và xay theo cách truyền thống.
Vì trời mưa hay vì cà phê quá ngon mà hôm đó Long nán lại quán rất lâu? Anh đi dạo quanh một vòng quán, dừng lại tại phím đàn piano nằm im lìm trong góc gần cầu thang, rồi ngỏ ý muốn chơi một bài. Cô chủ quán trẻ vui vẻ đồng ý. Những ngón tay Long nhảy múa trên phím đàn, giai điệu đầy cảm xúc của ca khúc Hello Vietnam vang vọng lấn át tiếng mưa rả rích. Đây là bài hát mẹ vẫn thường hát cho Long nghe, rất nhiều những kỷ niệm đẹp gắn liền với giai điệu thân thương này…
Sa cảm thấy sống mũi hơi cay khi tiếng đàn vừa kết thúc. Để các thanh âm có hồn nhường ấy, chắc hẳn ca khúc này phải có ý nghĩa đặc biệt với người thể hiện. Như bị điều kỳ lạ nào đó thôi thúc, Sa mạnh dạn ngỏ ý muốn nhờ chàng trai đến quán mình đánh đàn vào các tối cuối tuần. Và đó chính là cơ duyên cho công việc làm thêm thứ hai của Long ở Việt Nam.
Từ ngày có Long đến đánh đàn, quán đông khách hơn hẳn. Trên các mạng xã hội, các bạn trẻ chia sẻ rầm rộ thông tin. Sa nói khách hàng mới của quán dạo này thường chia làm hai kiểu, một là đến vì tình yêu âm nhạc, hai là vì anh chàng đánh đàn đẹp trai quá. Dù lý do là gì đi nữa đều khiến Long… phổng mũi tự hào. Cuối ngày khi quán đóng cửa, các nhân viên khác đều đã về hết, Long thường nán lại giúp Sa dọn dẹp. Hai người vừa làm việc vừa điềm nhiên chuyện trò, chia sẻ đủ thứ trên đời. Long cảm thấy thật thoải mái khi ở bên Sa, bất ngờ với chính mình khi có thể tâm sự với cô gái này những chuyện sâu kín nhất trong lòng. Đã lâu lắm rồi chàng trai trẻ mới đủ dũng cảm để phá bỏ bức tường vô hình mình dựng nên bấy lâu, thoải mái cười nói bộc lộ cảm xúc chân thật nhất.
Một tối muộn trong quán cà phê nọ; sau khi dọn dẹp xong xuôi, Sa và Long nán lại trên ghế sofa, cùng nhâm nhi ly rượu vang đỏ. Long chợt dừng lại ở khuôn mặt Sa rất lâu, ánh sáng cam nhạt của chiếc đèn chùm trang trí phả xuống, khiến cho làn da bánh mật của cô như lấp lánh. Trong khoảnh khắc ấy, trái tim Long chợt thổn thức rộn ràng. Phải cố gắng lắm Long mới ngăn được mình đặt vào môi Sa một nụ hôn…
* * *
Nhớ lại lời khuyên của Sa về việc mở lòng với bố, tối đó Long viết một email rất dài. Qua thư điện tử cùng những bức hình gửi kèm theo, Long kể cho bố nghe về hành trình của mình ở Việt Nam. Bắt đầu từ việc độc hành xuyên Việt bằng xe mô tô, đến cảm xúc vỡ òa khi anh ghé thăm trại trẻ mồ côi mẹ từng sinh sống, và cả lịch trình thường nhật sáng dạy học tối chơi đàn của anh ở đây. Đặc biệt Long còn kể về Sa, cô gái xinh đẹp có làn da bánh mật với nhiều nét giống mẹ. Long trấn an bố rằng mình sống rất tốt, anh ăn khoẻ ngủ ngon, tăng thêm 5 kg nên người đã có da có thịt hơn hẳn. Chưa bao giờ Long cảm thấy bình yên như lúc này, dường như Việt Nam đã chữa lành tâm hồn cũng như giúp anh chín chắn trưởng thành hơn mỗi ngày. Cuối thư, Long tái bút bằng một dòng tiếng Việt “Con thương bố rất nhiều!”.
Mùa xuân đến qua làn hương dịu ngọt trong từng đợt gió thổi, Sa thông báo về lịch nghỉ Tết sắp tới. Long háo hức cập nhập tình hình, giọng reo vui như một đứa trẻ:
- Tôi đã làm như Sa nói, cố gắng mở lòng với bố hơn. Bố đồng ý cho tôi ở lại Việt Nam, còn nói tôi hãy tự do tung cánh và làm những gì trái tim mình mách bảo. Bố gửi lời thăm Sa, còn hẹn sẽ đến Việt Nam khi có thời gian rảnh nữa.
- Tốt quá rồi, tôi biết mọi chuyện sẽ ổn thỏa mà - Sa rạng rỡ - Long cười trông bảnh trai lắm biết không?
- Sa nói gì cơ? Nói lại tôi nghe xem nào - mặt Long hơi nghệt ra vì bất ngờ.
- Tôi có nói gì đâu - Sa giả lả, đổi ngay chủ đề để đánh trống lảng - Long có dự định gì cho Tết chưa?
- Tết đầu tiên của tôi ở Việt Nam đấy, nhưng chắc tôi đón năm mới một mình thôi.
- Long có muốn về quê tôi ăn Tết không? Quê tôi ở Đắk Lắk, một tỉnh Tây Nguyên với văn hóa cồng chiêng vô cùng độc đáo.
- Tôi muốn chứ, nhưng như thế có làm phiền gia đình Sa không?
- Buôn làng của tôi hiếu khách lắm, mọi người sẽ rất vui khi gặp Long cho coi. Hình như tôi vẫn chưa nói với Long, rằng tôi là người dân tộc thiểu số. Tên đầy đủ của tôi là H’Sa Niê. Khi nghe Long chia sẻ về chuyện hồi nhỏ cảm thấy lạc lõng vì ngoại hình khác biệt của mình với các bạn, tôi cảm thấy đồng cảm. Thuộc thành phần thiểu số đôi khi không dễ dàng, nhưng càng lớn chúng ta lại càng tự hào và trân trọng những nét khác biệt của mình hơn đúng không? Tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm sống tốt, không chỉ vì bản thân mà còn vì dòng máu Êđê đang chảy trong huyết quản…
Ngoài kia nắng xuân đã lên cao, những lẵng hoa dạ yến thảo khẽ đung đưa khoe sắc rực rỡ. Long nắm chặt tay Sa tự bao giờ, tay họ cứ thế đan vào nhau truyền hơi ấm. Mùa vui đã ở lại trong những trái tim ngập tràn yêu thương.
Phạm Trung Kiên
Ý kiến bạn đọc