Nơi neo giữ hồn cốt làng quê
Trong biết bao kỷ niệm thời thơ ấu êm đềm, tâm trí tôi chưa bao giờ phôi pha một nơi thật ấm áp, đó là chái bếp phía sau hè của nhà mình.
Không bề thế như ba gian nhà chính, chái bếp được dựng bằng tre, mái lợp bằng tranh. Một không gian chật chội, ám đầy muội khói, vậy mà đây là nơi của những sum vầy xưa cũ để rồi mỗi lúc nhớ nhà, chái bếp lại gợi lên trong lòng tôi biết bao là nhớ thương.
Những ngày thơ dại, tôi hay ngồi bên liếp cửa tre chái bếp nhìn tò vò mang những mẩu đất ruộng bé xíu về xây tổ. Đã đi qua bao nhiêu là năm tháng, không biết bây giờ những con tò vò có còn miệt mài xây tổ trên mấy cây cột bằng tre đã đen muồi vì khói củi.
Những buổi trưa không ngủ, tôi hay ngồi bên ô cửa sổ nơi góc bếp nhìn mùa hè thi vị đi qua trên từng chùm ổi chín vàng lúc lỉu, nhìn gà mái mẹ dắt bầy con kiếm những hạt thóc còn sót lại từ vụ mùa trước bên cây rơm dáng đã hao gầy.
Mỗi lúc mặt trời từ từ lặn sau rặng tre, hoàng hôn buông xuống, tôi thường đứng ở bờ ruộng ngẩn ngơ nhìn hình ảnh chái bếp cũ kỹ, mộc mạc nép bên vườn chuối với từng làn khói lam mờ vương vấn, quẩn quanh trên mái rạ.
Minh họa: Trà My |
Những ngày cuối tháng Chạp, góc bếp ngai ngái mùi khói củi, hăng hắc mùi vỏ trấu quyện hòa trong biết bao nhiêu là mùi Tết. Mùi ngòn ngọt của bánh thuẫn, mứt gừng; mùi nồng nồng của củ kiệu mẹ vừa mới nén; mùi mằn mặn của nhân đậu xanh xào gói bánh chưng, mùi nhẫn nhẫn của măng khô hầm chân giò... hòa với mùi cay cay của đủ thứ gia vị ru chị em chúng tôi vào những giấc mơ mong mỏi Tết về.
Chiều cuối năm, gian bếp nhỏ bỗng trở nên nhộn nhịp lạ thường bởi mỗi người một tay hối hả gói bánh ít, nướng thịt, nấu xáo, cuốn chả, hông xôi... để kịp làm mâm cơm cúng ông bà. Còn cả hằng bao nhiêu giờ nữa mà như thể Tết đã về, đã chạm tới gian bếp rộn rã tiếng nói cười của các dì, các cậu, các o và các chú.
Đêm ba mươi, mấy mẹ con tôi ngồi trong bếp canh nồi bánh chưng và chờ đón thời khắc giao thừa. Ngoài trời gió rít từng cơn nhưng lòng tôi không lạnh bởi gian bếp đầy ắp những yêu thương và ngập tràn hương vị Tết.
Mấy mươi năm xa quê, bếp củi thuở nào cũng đã theo mẹ về miền miên viễn. Vậy mà thật lạ, cái chái bếp phủ đầy bụi tro, ngày ba bữa lúc nào cũng có ngọn lửa đỏ cùng với dáng mẹ vất vả lo toan mấy ngày cận Tết đôi lúc trong những giấc mơ khuya lại trở về thật rõ ràng sống động.
Khi đã đi qua biết bao thăng trầm dâu bể đời người, đến một ngày tôi mới nhận ra rằng chái bếp là một phần ký ức, làm nên hồn cốt làng quê. Đó là nơi lưu giữ tình yêu thương gia đình, là sợi dây gắn kết tình thân của bà con, xóm làng, họ mạc, để dẫu có lang bạt trên hành trình vạn dặm những đứa con xa quê vẫn mãi hoài nhớ và luôn muốn quay về.
Mai Lan Anh
Ý kiến bạn đọc