Multimedia Đọc Báo in

Rưng rưng với “Hồ sơ kỷ vật”

14:12, 26/05/2025

Hồ sơ kỷ vật

Ông lần giở bộ “Hồ sơ gửi lại”*

Ngày đi B - Kỷ vật còn đây

Ơi năm tháng dạt dào sông chảy mãi

Dòng lệ già trong vắt mắt chàng trai

 

Tấm ảnh trắng đen bão lửa chẳng phôi phai

Nụ cười vượt Trường Sơn năm xưa lóng lánh

Phút chia tay gia đình bạn bè lưng tròng nước mắt

Chiếc ba lô hành quân bốn chục cân sao nhẹ bẫng vai gầy

 

Chinh chiến qua rồi mình gặp lại mình đây

Bàn tay run run nâng tập Hồ sơ kỷ vật

Thương lắm đồng đội ơi… đứt từng khúc ruột

Tập Hồ sơ của người… nào biết được người đâu

 

Anh Giáo, anh Lâm nằm lại bưng biền Đồng Tháp, rừng đước Cà Mau

Anh Khôi, anh Đường cùng đơn vị bom vùi trong núi rừng khu Năm mưa lũ

Hàng trăm chiến sĩ Sư Ba Anh hùng tên sắp hàng mộ bia tập thể

Mấy chục năm hòa bình, ai vẫn lặng lẽ Vô Danh?

 

Mỗi bộ hồ sơ đâu giản đơn lưu giữ một dòng tên

Mà gửi trọn trái tim của người đi giữ nước

Dâng hiến máu xương mình tô thắm cờ Tổ quốc

Là một nguyện thề với độc lập tự do.

 Bùi Thị Xuân Mai

Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, thời gian không phải là dài so với những cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền đất nước. Nhưng 50 năm lại là quãng thời gian dài dằng dặc với những nhớ thương, những mong ngóng ngày về của những người lính, trong đó có những người đã mãi gửi lại tuổi hai mươi nơi chiến trường. Viết về người lính, về những năm tháng anh dũng của dân tộc, nhà thơ Bùi Thị Xuân Mai không khai thác khía cạnh hùng tráng của cuộc chiến mà bùi ngùi với “Hồ sơ kỷ vật”.

Bài thơ như một thước phim đen trắng, chầm chậm hiện ra trước mắt người đọc hình ảnh người lính già run run nâng trên tay tập “Hồ sơ kỷ vật” của ngày đi B, hồi tưởng lại quá khứ mà “dòng lệ già trong vắt” tuôn rơi. Và rồi, quá khứ lần lượt được tái hiện qua “tấm ảnh trắng đen”, chiếc ba lô hay cả những dòng thư viết vội… Tất cả như khắc chạm vào lòng ông những nhớ thương vời vợi về đồng đội của mình.

Một “tấm ảnh trắng đen” thôi mà lưu giữ cả ý chí đánh giặc thù. Qua chiến tranh khói lửa, tấm ảnh vẫn giữ được “nụ cười vượt Trường Sơn” năm xưa, vẫn giữ được hình ảnh người thân, bạn bè lưu luyến trong cuộc chia tay mà “lưng tròng nước mắt”. Điều đó tạo động lực, tăng ý chí lên đường cho người lính trẻ. Ra đi để gìn giữ non sông. Ra đi để ngày trở về, đất nước rực rỡ cờ hoa niềm vui độc lập. Hình ảnh bạn bè, người thân dõi theo người lính. “Chiếc ba lô bốn chục cân sao nhẹ bẫng vai gầy” gợi nhớ đến những câu thơ trong “Tống biệt hành” của Thâm Tâm: “Ly khách, ly khách con đường nhỏ/ Chí lớn chưa về bàn tay không” và cả hình ảnh “Người ra đi đầu không ngoảnh lại” trong “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi.

Chiến tranh qua đi, đất nước hân hoan trong niềm vui độc lập. Nhưng có những mất mát, đau thương không bút mực nào kể xiết: “Chinh chiến qua rồi mình gặp lại mình đây/ Bàn tay run run nâng tập Hồ sơ kỷ vật/ Thương lắm đồng đội ơi… đứt từng khúc ruột/ Tập Hồ sơ của người… nào biết được người đâu”. Dấu ba chấm ngắt giữa hai dòng thơ cuối khổ như một sự nghẹn ngào của người lính già khi cầm trên tay tập hồ sơ, khi nhớ về bao đồng đội đã hy sinh. Để rồi phải thốt lên “Thương lắm đồng đội ơi”. Hồ sơ còn đây, tên tuổi, quê quán, đồ dùng cá nhân… còn đây mà người thì “nào biết được người đâu”.

Đâu rồi những anh Giáo, anh Lâm? Đâu rồi những anh Đường, anh Khôi và hàng trăm chiến sĩ Sư Ba anh hùng? Các anh ở đâu? Các anh nằm lại nơi nao giữa mênh mông bưng biền Đồng Tháp, rừng đước Cà Mau hay trong núi rừng khu Năm mưa lũ. Hòa bình rồi, các anh có “về” không? Những người chiến sĩ ấy đã nằm lại mãi nơi chiến trường để đất nước hôm nay vươn mình đứng dậy. Bao cuộc kiếm tìm suốt “mấy chục năm” từ những khu rừng Trường Sơn đến những bưng biền mênh mông sông nước, vậy mà hàng trăm ngôi mộ vẫn “lặng lẽ Vô Danh”.

Khổ thơ cuối là sự khắc ghi lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của những người chiến sĩ: “Mỗi bộ hồ sơ đâu giản đơn lưu giữ một dòng tên/ Mà gửi trọn trái tim của người đi giữ nước/ Dâng hiến máu xương mình tô thắm cờ Tổ quốc/ Là một nguyện thề với độc lập tự do”.

Bằng thể thơ tự do, nhịp thơ co giãn linh hoạt, nhà thơ Bùi Thị Xuân Mai đã thành công trong việc diễn tả cảm xúc của người lính già lúc bùi ngùi xúc động nhớ thương, lúc xót xa về những hy sinh mất mát của đồng đội, khi lại tự hào về ý chí lên đường diệt giặc của người lính…

Bài thơ khép lại bằng khổ thơ êm dịu. Các anh nằm lại nơi chiến trường, anh linh vẫn ngày đêm giữ gìn từng tấc đất quê hương. Khúc khải hoàn đã tấu lên tròn 50 năm trên dải đất hình chữ S. Cờ Tổ quốc thắm mãi, đất nước ngân vang bài ca tự do độc lập. Ở nơi nào đó trên từng tấc đất quê hương, các anh hẳn cũng đang ca vang bài ca thống nhất.

Kỷ niệm đất nước nửa thế kỷ sống trong niềm vui độc lập, thống nhất, đọc “Hồ sơ kỷ vật” để thêm trân quý hơn những người đã ngã xuống “Dâng hiến máu xương mình tô thắm cờ Tổ quốc” hôm nay. 

Trương Thị Thúy


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Nắng tháng Năm
14:12, 26/05/2025
Chiều muộn mất rồi
14:12, 26/05/2025
Về Kim Liên
14:12, 26/05/2025
Hoa giấy mùa hè…
08:52, 25/05/2025
Nói với em
04:55, 25/05/2025
(Video) Hiện thực hóa giấc mơ thương hiệu gạo Lắk
Là một trong những vựa lúa lớn của tỉnh, huyện Lắk đã xây dựng thành công nhãn hiệu gạo Lắk. Đây là tiền đề quan trọng để địa phương triển khai các bước tiếp theo nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường và nâng tầm thương hiệu gạo Lắk.