Multimedia Đọc Báo in

Dịch vụ Grab “đắt sô” giữa mùa dịch

08:25, 07/08/2021

Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trái ngược với nhiều nghề, dịch vụ Grab (dịch vụ đặt xe, đặt hàng qua ứng dụng trên điện thoại di động) lại “đắt sô” hơn bình thường.

Xuất hiện và phát triển trong ba năm trở lại đây trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, dịch vụ Grab đã trở thành cái tên quen thuộc với nhiều khách hàng. Grab là ứng dụng vận chuyển trên điện thoại di động, với nhiều loại hình như: GrabBike (đặt xe máy), GrabCar (đặt ô tô), GrabExpress (giao hàng), GrabFood (giao thức ăn)… Khi đã cài đặt ứng dụng Grab trên điện thoại, người dùng chỉ cần nhập điểm đón và điểm đến đối với việc đặt xe, hoặc điểm nhận đơn hàng đối với việc đặt hàng, ứng dụng sẽ tự động tính cước phí, sau đó được nhân viên Grab đến đón, đến giao hàng tại địa chỉ yêu cầu và trả cước.

Trong những ngày TP. Buôn Ma Thuột áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, tất cả mọi người dân phải ở nhà và chỉ ra đường những lúc cần thiết. Do đó, thay vì tự ra chợ hoặc ra hàng quán để mua thức ăn, nhiều người dân lựa chọn đặt mua nhu yếu phẩm qua ứng dụng Grab để được giao tận nhà, vừa nhanh, lại tiết kiệm chi phí, hạn chế tiếp xúc với nhiều người. Nhờ vậy, thời điểm này, tài xế Grab “nổ” đơn liên tục, có những ngày không xử lý kịp đơn đặt hàng.

Trên các tuyến phố, không khó khăn để bắt gặp hình ảnh đội ngũ Grab áo xanh trên đường đi giao hàng cho khách.

Anh Nguyễn Kiên Quyết đang gọi cho khách hàng để xác nhận đơn.

Anh Nguyễn Kiên Quyết (27 tuổi) đang chờ nhân viên quán làm đồ ăn cho khách trên đường Y Jút (TP. Buôn Ma Thuột) bày tỏ, anh chạy Grab hai năm nay, chủ yếu chở khách qua ứng dụng GrabBike. Trong thời gian thành phố áp dụng Chỉ thị 16, không có khách đi lại nên anh linh động chuyển qua việc giao hàng như đồ ăn, thức uống...

Để hạn chế việc lây lan dịch bệnh từ đội ngũ shipper (nhân viên giao hàng), UBND TP. Buôn Ma Thuột yêu cầu từ ngày 3-8-2021, tất cả shipper chỉ được phép hoạt động giao, nhận hàng hóa thiết yếu theo quy định trên địa bàn thành phố khi có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

So với thời điểm trước dịch, gần đây số lượng đơn hàng khách đặt nhiều hơn. Trung bình mỗi ngày, chỉ từ 6 giờ đến 15 giờ, anh đã giao trên 30 đơn hàng, cho thu nhập khoảng 300 - 400 nghìn đồng. Có những ngày tăng ca, chạy thêm đến 23 giờ khuya thì có thêm 10 - 15 đơn hàng, kiếm được 100 - 200 nghìn đồng.

Cũng là một tài xế chạy Grab, anh Vũ Thanh Quyền (50 tuổi) cho biết, cứ vài phút qua ứng dụng lại có hàng chục khách hàng đặt thực phẩm hằng ngày nên anh tranh thủ lựa chọn đơn hàng gần chỗ mình nhất để thuận tiện giao cho khách.

Được biết, trước kia anh làm nghề thợ hồ, nhưng do đặc thù công việc theo công trình phải nay đây mai đó, thu nhập không ổn định nên anh quyết định chuyển qua chạy dịch vụ Grab. Nghề này cũng không hề an nhàn do phải di chuyển liên tục, nhưng đổi lại anh được làm ở gần gia đình, thu nhập dẫu không cao, nhưng khá ổn định. Anh chia sẻ, tại Đắk Lắk, tiền thưởng sau khi hoàn tất đơn hàng của tài xế Grab sẽ được tính theo 3 mức: mức 1 là 250 ngọc (tương đương với 30 nghìn đồng), mức 2 là 450 ngọc (tương đương 100 nghìn đồng) và mức 3 là 650 ngọc (tương đương 200 nghìn đồng). Do vậy, chỉ cần cố gắng chăm chỉ thì mỗi ngày có thể kiếm được trên dưới 500 nghìn đồng. Sau khi trừ xăng xe, chi phí phát sinh, trung bình mỗi tháng anh thu nhập khoảng 10 triệu đồng.

Anh Vũ Thanh Quyền đang kiểm tra hàng để chuẩn bị giao cho khách.

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, may mắn hơn những lao động tự do khác, người chạy Grab vẫn có việc làm và có nguồn thu nhập khá ổn định, song họ cũng không tránh khỏi tâm lý lo lắng khi phải làm việc trong môi trường dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, hằng ngày họ vẫn “chạy sô” theo những đơn hàng trên ứng dụng để trang trải cuộc sống, tăng thêm thu nhập và đáp ứng xu thế mua – bán hàng qua mạng của khách hàng..

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.