Những “nhịp cầu” trong siêu bão COVID-19 (kỳ 3)
Thành trì từ lòng dân
Một trong những yếu tố quan trọng trong trận chiến chống “giặc COVID-19” chính là việc an dân. An dân bằng chính sức dân và nghĩa cử của những tấm lòng thơm thảo, tạo nên bức thành trì, có thêm sức mạnh, cùng vượt qua sức tàn phá khủng khiếp của dịch bệnh.
Để dân yên tâm chống dịch
Hơn 1 tháng qua, tài khoản Facebook Chinh Ha của chị Nguyễn Thị Chính, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Cư Pui (huyện Krông Bông) liên tục đăng bài kêu gọi, vận động hỗ trợ người dân vùng dịch.
Nhiều người quen, bạn bè cũng chia sẻ bài viết của chị để lan tỏa rộng rãi hơn. Sau mỗi đợt tiếp nhận tiền mặt, hiện vật của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, chị Chính tỉ mỉ thống kê, công khai chi tiết.
Là người giữ “tay hòm chìa khóa”, chị Chính đã tham mưu Đảng ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã Cư Pui thành lập 4 “bếp ăn 0 đồng” do cán bộ xã và cán bộ, hội viên phụ nữ các thôn, buôn phụ trách.
Mỗi tối, chị lên sẵn thực đơn cho ngày hôm sau, gọi điện đặt thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả để lực lượng đoàn viên thanh niên tình nguyện chở đi giao cho các bếp.
Những nhà hảo tâm muốn tặng quà cho các hộ dân bị dịch bệnh ở buôn Khóa nhưng không thể đến trực tiếp được, chị Chính đứng ra mua hộ quà, trực tiếp đi trao tặng.
Công việc bận rộn từ sáng tới tối, có những lúc mệt mỏi, áp lực nhưng đối với chị, được góp sức chống dịch, chăm lo cuộc sống cho người dân thực sự là niềm vui của người cán bộ cơ sở.
Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Cư Pui (huyện Krông Bông) Nguyễn Thị Chính kiểm tra số lượng hàng hóa được ủng hộ để hỗ trợ người dân vùng dịch COVID-19. |
Mặt trận Tổ quốc xã Cư Pui cũng phát hành thư kêu gọi, vận động ủng hộ kinh phí, nhu yếu phẩm cho công tác phòng, chống dịch. Qua kênh của Mặt trận và phụ nữ xã, đã có trên 148 triệu đồng, hơn 15 tấn gạo, gần 8,5 tấn rau, củ, quả cùng rất nhiều nhu yếu phẩm, thiết bị y tế đã được gửi tới người dân xã vùng III Cư Pui.
Nhờ sự chung tay, góp sức đó, gần 6.000 suất ăn miễn phí, quà tặng, lương thực đã được trao tận tay người dân khu cách ly, phong tỏa, lực lượng tham gia phòng, chống dịch, góp phần giúp xã Cư Pui vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Chị H’Nghen Drao, người dân buôn Khóa (xã Cư Pui) thổ lộ: “Chồng thì đi làm ăn xa, cả bốn mẹ con đều bị mắc COVID-19 phải đi điều trị. Từ hôm khỏi bệnh, cả nhà được xã cho gạo ăn, nước uống, mắm muối. Ngày nào cũng có cán bộ y tế đến kiểm tra thân nhiệt, hỏi thăm tình hình sức khỏe nên mình rất yên tâm”.
Tại tâm dịch buôn Ea Bhốk, xã Ea Bhốk (huyện Cư Kuin), để các trường hợp F0 và F1 yên tâm đi điều trị dịch bệnh COVID-19 và cách ly tập trung, Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã Ea Bhốk Nguyễn Văn Dũng đã tổ chức tuyên truyền, vận động và cam kết chăm sóc vật nuôi cho 6 hộ.
Ông Dũng cho hay, trước phản ứng lo lắng của nhiều hộ khi đi cách ly tập trung không có người chăn nuôi gia súc, gia cầm, xã Ea Bhốk đã làm cam kết, huy động lực lượng dân quân tự vệ, các đoàn thể xã, thôn, buôn đóng góp ngày công chăm sóc vật nuôi, trích kinh phí mua thức ăn chăn nuôi cho heo, đồng thời đề nghị UBND huyện hỗ trợ rơm khô cho bò để người dân yên tâm đi điều trị, cách ly.
UBND huyện Cư Kuin tặng Giấy khen cho gia đình ông Vũ Quốc Khanh (xã Hòa Hiệp) vì có thành tích trong cuộc vận động, ủng hộ phòng, chống COVID-19 trên địa bàn huyện. |
Những tấm lòng thơm thảo
Tham gia cuộc chiến chống “giặc COVID-19” này, nơi tâm dịch tại các thôn, buôn, xã của các huyện trong tỉnh, có rất nhiều câu chuyện cảm động của những tấm lòng thơm thảo.
Đó là Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm đã lăn xả vào vùng dịch, tham gia công tác truy vết, cách ly, chỉ đạo chăm lo không để dân vùng dịch thiếu ăn. Anh còn trưng dụng luôn xe ô tô gia đình và vận động con trai tham gia vận chuyển hàng hóa, vật tư y tế, các suất ăn miễn phí đến các khu cách ly và người dân khu vực phong tỏa.
Đó là bà H’Ben Niê ở buôn Khóa đã tình nguyện cho ban quản lý khu cách ly mượn sân nhà làm nơi “đóng quân” và sẵn sàng dọn ra chỗ khác ở để nhường nhà cho xã làm khu cách ly trong trường hợp cần thiết.
Hay như thầy Nguyễn Thanh Hạ, giáo viên Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (xã Cư Bông, huyện Ea Kar) tự nguyện làm "shipper", đi giao hàng cho các hộ dân trong khu vực phong tỏa của thôn 20.
Ở xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc), anh Nguyễn Quang Phong, người dân thôn Tân Quý không chỉ tự nguyện tham gia đội xe của xã mà còn dùng xe ô tô cá nhân để cùng thực hiện “Chuyến xe 0 đồng” chở hàng hóa, nhu yếu phẩm đi hỗ trợ người dân trên địa bàn; gia đình anh Nguyễn Văn Lan (thôn 9) và gia đình con trai Nguyễn Văn Phượng (thôn 12) ủng hộ 1,5 triệu đồng cho xã có thêm kinh phí phòng, chống dịch...
Phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, hỗ trợ, giúp đỡ nhau vượt qua đại dịch COVID-19, rất nhiều gia đình đã có những việc làm thiện nguyện, đáng trân trọng. Gia đình ông Đào Công Hưởng ở thôn 3 (xã Xuân Phú, huyện Ea Kar) đã tự nguyện nấu 480 “suất cơm 0 đồng” hỗ trợ các trường hợp trong khu cách ly tập trung của xã. Bên cạnh đó, gia đình ông còn ủng hộ 1 tấn rau, củ, quả và các nhu yếu phẩm để gửi tặng các tỉnh thành phía Nam.
Anh Nguyễn Quang Phong (bìa phải) ở thôn Tân Quý (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc) sử dụng xe ô tô của gia đình để chở hàng hóa hỗ trợ người dân vùng dịch trên địa bàn xã |
Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc, gia đình giáo dân Vũ Quốc Khanh (75 tuổi), Giáo xứ Kim Phát (xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) cùng các con đã ủng hộ 5 tấn gạo, 100 thùng mì tôm cho người dân vùng dịch huyện Cư Kuin và 3 tấn gạo cho người dân xã Đắk Liêng (huyện Lắk). Ông Khanh bộc bạch: “Mình tuổi cao, sức yếu không thể tham gia phòng, chống dịch nên hỗ trợ được gì thì cố gắng, được góp một phần nhỏ bé vào công tác chống dịch cũng cảm thấy vui và hạnh phúc hơn”.
Cuộc chiến chống “giặc COVID-19” còn dài và đầy gian nan, thử thách. Còn rất nhiều giọt mồ hôi, nước mắt và cả những hy sinh, mất mát trong cuộc chiến này nhưng tin tưởng rằng với những “nhịp cầu” vững chắc, với tinh thần quả cảm, chung sức, đồng lòng, những giải pháp ứng biến linh hoạt, mỗi người có thêm niềm tin để sớm vượt qua đại dịch chưa từng có này.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc