Multimedia Đọc Báo in

“Ngân hàng dê giống” đặc biệt dành cho học trò nghèo

06:54, 08/09/2021

Gần hai năm qua, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở các trường vùng sâu trên địa bàn huyện Cư M’gar được đón nhận một dự án đặc biệt mang tên “Ngân hàng dê giống”.

Đây là dự án do Câu lạc bộ (CLB)Vì đàn em thân yêu (trực thuộc Hội đồng Đội huyện Cư M’gar) kết nối và thực hiện nhằm giúp đỡ học sinh nghèo, góp phần hỗ trợ phần nào để gia đình các em vươn lên phát triển kinh tế.

Thầy Mai Văn Chuyền, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Ngô Mây (xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar), Chủ nhiệm CLB chia sẻ, năm học 2019 - 2020, dự án “Ngân hàng dê giống” bắt đầu được thực hiện tại Liên đội Trường THCS Ngô Mây. Gọi là “ngân hàng” vì dê sẽ không cho hẳn mà chỉ cho mượn, coi dê giống như vốn ban đầu để xoay vòng.

Theo đó, mỗi gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ được dự án hỗ trợ đàn dê từ 2 - 3 con, giá trị khoảng 8 - 10 triệu đồng. Trong vòng ba năm, khi đàn dê đã phát triển thì gia đình sẽ hoàn trả lại đủ số lượng dê với trọng lượng bằng trọng lượng ban đầu để trao cho học sinh nghèo khác.

Thầy Mai Văn Chuyền (giữa) trong một lần đi bắt dê giống tặng học sinh nghèo.

“Trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi đi đến tận nhà khảo sát hoàn cảnh của học sinh để lựa chọn hỗ trợ. Sau đó sẽ tổ chức vận động kinh phí từ các nhà hảo tâm và giúp đỡ làm chuồng trại, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi nếu gia đình cần. Kết thúc ba năm, trường hợp nào vẫn khó khăn thì sẽ xem xét cho gia hạn”, anh Chuyền cho biết thêm.

 

Thông qua dự án “Ngân hàng dê giống”, chúng tôi mong muốn truyền tải cho các em thông điệp biết yêu quý lao động, giúp đỡ gia đình tùy theo sức của mình, phải lao động, sản xuất mới có thể vươn lên thoát nghèo”.

 
Anh Mai Văn Chuyền, Chủ nhiệm CLB Vì đàn em thân yêu

Tuy mới triển khai nhưng dự án “Ngân hàng dê giống” đã mang lại những tín hiệu khả quan khi các đàn dê phát triển khá tốt, nhiều gia đình đã vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Đơn cử như gia đình em Bàn Minh Kiệt (thôn Thạch Sơn, xã Ea M’droh) được dự án “Ngân hàng dê giống” hỗ trợ 3 con dê cái vào tháng 5-2020. Sau hơn một năm nuôi dưỡng, đến nay đàn dê đã phát triển lên được 9 con dê, trong đó có 1 con dê đực được gia đình đầu tư mua thêm.

Anh Lý Văn Chòi, bố của em Kiệt phấn khởi cho hay, hiện 3 con dê mẹ từ dự án “Ngân hàng dê giống” cùng 2 con dê cái tơ được sinh ra từ 3 con mẹ ban đầu đã mang bầu, chuẩn bị sinh sản. Đây là dự án rất ý nghĩa và có lợi, bởi số lượng dê phát triển khá nhanh, lại không tốn kém nhiều chi phí cho chăn nuôi. Mỗi ngày, gia đình chỉ cần dành ra khoảng 2 tiếng để đi tìm cây keo về làm thức ăn cho dê. Đặc biệt, từ khi có đàn dê, em Kiệt cũng biết chăm chỉ phụ bố mẹ đi lấy cây keo và cho dê ăn hằng ngày vào thời gian rảnh.

Nhận thấy hiệu quả và tính khả thi của dự án, CLB Vì đàn em thân yêu đã nỗ lực vận động, kêu gọi sự ủng hộ từ các tấm lòng hảo tâm trong và ngoài tỉnh, qua đó đưa dự án đến với học sinh nghèo không chỉ tại xã Ea M’droh mà còn ở nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Cư M’gar như: xã Ea Kpam, thị trấn Ea Pốk... Nhờ vậy, gần hai năm qua, đã có 8 đàn dê với số lượng 20 con từ “Ngân hàng dê giống” được trao cho gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Gia đình em Bàn Minh Kiệt nhận dê giống từ dự án "Ngân hàng dê giống".

Cùng với dự án “Ngân hàng dê giống”, CLB Vì đàn em thân yêu cũng đã triển khai nhiều dự án, chương trình, mô hình ý nghĩa với mong muốn giúp đỡ học sinh nghèo trên địa bàn huyện như: “Tiếp sức đường dài”, “Xây nhà nhân ái”; “Lớp học yêu thương”, “Ngôi nhà trí tuệ, tủ sách nhân ái”… Trong đó, dự án “Tiếp sức đường dài” hiện đang hỗ trợ cho 85 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, với mức hỗ trợ 240.000 đồng/em/tháng đối với học sinh mầm non và tiểu học; 290.000 đồng/em/tháng đối với học sinh THCS. Qua đó đã tiếp thêm động lực đến trường cho các em, hạn chế tình trạng bỏ học.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.