Multimedia Đọc Báo in

Nơi nào là đáng sống?

15:13, 25/09/2021

1. Hình ảnh những đoàn người kéo nhau rời khỏi TP. Hồ Chí Minh và các thành phố lân cận để trở về quê nhà, ở vùng nông thôn miền Trung - Tây Nguyên và đồng bằng Nam Bộ, đã đặt ra nhiều câu hỏi. Nó không chỉ cho thấy sự gay gắt của cơn khủng hoảng bệnh dịch COVID-19 lịch sử, mà còn là một diễn biến của câu chuyện xã hội Việt Nam hôm nay.

Nhìn hình ảnh đó, có người cho rằng: quê nhà vẫn là nơi đáng sống nhất. Có phải vậy không?

Vậy thì tại sao trước đó một năm, và suốt nhiều năm trước, cũng đoàn người đó, lại kéo nhau đến TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai để sống? Và rồi đây, sau khi dịch bệnh lắng dịu, liệu đoàn người đó có ở lại hẳn với xóm, làng của mình, hay vẫn trở lại nơi mà họ vừa rời bỏ?

Câu trả lời, có lẽ ai cũng có thể nhìn thấy, như đã từng nhìn thấy. Có một số ít sẽ ở lại với làng quê, còn số đông vẫn trở lại TP. Hồ Chí Minh và các thành phố lân cận, vì một lý do đơn giản: đó là nơi dễ kiếm sống. Vậy thì nơi đó, nơi mà họ dễ dàng kiếm sống dù phải chen chúc trong những khu nhà trọ chật chội, có phải là nơi đáng sống không?

Hầu hết những người rời khỏi TP. Hồ Chí Minh vừa rồi đều là người lao động nghèo, làm thuê, ở trọ; và nhiều người đã ở trọ như thế cả 20 - 30 năm, lấy vợ, lấy chồng, sinh con, đẻ cháu ở nơi đó. Nhưng, nơi đã cưu mang, nuôi sống vẫn chưa phải là nơi đáng sống của họ.

Những người lao động có chuyên môn cao, lao động trí óc... đã chọn TP. Hồ Chí Minh và những thành phố lớn làm nơi đáng sống. Vì nơi đó không chỉ dễ dàng kiếm sống, mà quan trọng hơn, đó là nơi họ được thỏa sức học hành, lao động, sáng tạo, cống hiến. Và sau cùng, là được thụ hưởng một cuộc sống chất lượng cao.

Công dân của tỉnh về cách ly tập trung tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng an ninh thuộc Trường Đại học Tây Nguyên. Ảnh: Kim Hoàng

2. Lên thành phố sống - vẫn là giấc mơ bao đời nay của người dân ở nông thôn, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng vậy. Nhưng về sau này, ở những quốc gia giàu có, văn minh thì câu chuyện “lên thành phố” đã trở thành chuyện xưa cũ. Ở đó, sự chênh lệch về điều kiện sống giữa thành thị và nông thôn đã rút ngắn, cơ hội kiếm sống gần như đã phân chia hợp lý và công bằng theo chức năng của công việc. Nông thôn là nơi sống và làm việc của người làm nông nghiệp. Thành phố là nơi sống và làm việc của những người làm nghề phi nông nghiệp. Người nông dân ở các quốc gia đó chọn làng quê là nơi đáng sống, bởi vì đó là nơi họ làm việc để mưu sinh và thụ hưởng cuộc sống chất lượng cao.

Khi nào nông thôn Việt Nam đạt được điều đó thì sẽ không còn cảnh đoàn người rời làng quê chen chúc ở trọ, để làm thuê kiếm cơm qua ngày, và rồi lại kéo nhau về quê trong cảnh trạng éo le như thế.

Người về quê lánh xa được vùng “đỏ” nóng bỏng dịch bệnh, thì lại đối diện với thất nghiệp, đói khổ. Người ở lại thành phố thì phải sống với hiểm nguy bệnh dịch, thiếu thốn nhu yếu phẩm, và nỗi bức bối vì phong tỏa, cách ly.

3. Mới thấy rằng, nơi đáng sống chính là nơi ta tìm thấy bình an trong lòng, thanh thản trong đầu. Nơi ấy, không phải là nông thôn hay thành phố, làng buôn ta hay phố thị của người. Mà nơi ấy là nơi ta phải nỗ lực lao động để kiếm sống mà không lãng phí tài nguyên, làm ô nhiễm môi trường. Là nơi ta phải gắn bó và yêu thương thật lòng, bằng cách trồng một cây táo, chăm bón và mừng vui khi cây nở hoa, đậu quả. Như thế thì đâu cũng là nơi đáng sống, ngay cả khi bệnh dịch hoành hành…

Minh Tự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.