Nghị quyết 128/NĐ-CP: Mở ra cánh cửa bình thường mới!
Nghị quyết số 128/NĐ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã bật tín hiệu tích cực với tất cả tỉnh thành cả nước, sẵn sàng mở cửa bình thường mới về mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Đặc biệt về vấn đề đi lại, Nghị quyết 128 đã tháo gỡ những chốt chặn giữa các địa phương lâu nay, đặc biệt tại cửa ngõ các đô thị lớn.
“Mở cửa” bình thường mới
Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư này, các tỉnh thành trong cả nước, tập trung nhất từ khu vực Nam Trung Bộ vào các tỉnh phía Nam lên Tây Nguyên đã diễn ra tình cảnh ách tắc khó kiểm soát trong điều hành chống dịch. Những đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng phải chấp nhận tình trạng phong tỏa cục bộ kéo dài nhiều ngày.
Giữa các tỉnh thành, giao thông bị gián đoạn, dẫn đến tình trạng đứt gãy kết nối kinh tế - xã hội, đẩy nhiều khu vực dân cư rộng lớn vào cảnh khó khăn thiếu thốn các nhu cầu dân sinh thiết yếu nhất. Riêng tại Tây Nguyên, vận chuyển hàng hóa nông sản, việc đi lại của người dân đều bị trở ngại, làm tổn thất rất nhiều cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh tế tại từng địa bàn cơ sở.
Thực tế ấy lý giải tại sao khi thông tin Nghị quyết 128 được ban hành vừa lan tỏa, tín hiệu tiếp nhận của các địa phương đều là hết sức vui mừng. Đa số phản hồi từ doanh nghiệp và người dân cho thấy, định hướng Chính phủ qua Nghị quyết nhằm “thực hiện "mục tiêu kép", đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021” là hết sức phù hợp.
Nhất là với mục tiêu “không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội”, Nghị quyết 128 chính là then chốt “phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch, trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt an toàn”.
Việc thực hiện Nghị quyết “bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc”, “tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, huy động cả hệ thống chính trị, đề cao trách nhiệm các cấp ủy đảng, chính quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch”.
Nghị quyết 128/NĐ-CP là cơ hội để các địa phương khôi phục kinh tế - xã hội (Trong ảnh: Vận chuyển cà phê phục vụ xuất khẩu tại Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển An Thái). Ảnh: Đỗ Lan |
Có thể nói, ở Nghị quyết này, rất nhiều điểm mới về chỉ đạo hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa chống dịch an toàn vừa hồi phục phát triển kinh tế - xã hội được chỉ dẫn rõ ràng. Việc phân biệt 4 cấp độ vùng dịch dựa trên các tiêu chí đánh giá cụ thể như tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian, độ bao phủ vắc xin, khả năng thu dung điều trị… đi cùng các biện pháp cụ thể sẽ giúp các địa phương xác định rõ hiện trạng dịch bệnh tại cơ sở để đưa ra được quyết sách, biện pháp kiểm soát chặt chẽ, hữu hiệu nhất, phù hợp thực tiễn mà không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất.
Việc thống nhất chỉ đạo từ chủ trương đi lại, đến khai báo y tế toàn dân, sử dụng ứng dụng công nghệ, mã QR công dân sẽ tạo sức mạnh khai phóng cho các địa phương khôi phục nhanh, rõ, chính xác các lợi thế kinh tế - xã hội có sẵn để tiếp tục duy trì phát triển ổn định và bền vững. |
Đơn cử việc chỉ định rõ hoạt động lưu thông hàng hóa, vận tải hành khách, tổ chức sản xuất, dịch vụ, khôi phục các hoạt động dân sinh như hàng quán, chợ truyền thống, bán hàng rong, tiếp đón du khách… ở các vùng không có dịch hoặc nguy cơ thấp ("vùng vàng") đều được mở lại bình thường, miễn là đảm bảo các phương án phòng ngừa dịch hiệu quả, sẽ giúp gỡ các “nút thắt” kiểm soát kinh tế, dân sinh thời gian qua. Riêng việc đi lại của người dân ở các "vùng xanh", "vùng vàng" liên thông giữa các địa bàn không bị hạn chế, đã “mở lại cánh cửa lớn” cho kinh tế dân doanh rộng mở trở lại.
Cơ hội để khôi phục, phát triển
Thực tế nhiều ngày qua, các đô thị như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế… luôn đối mặt câu hỏi làm sao vừa tháo gỡ các chốt chặn cứng, mở rộng lối giao thương kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo chống dịch hiệu quả. Rất nhiều trở ngại, mâu thuẫn đã phát sinh, gây ức chế tâm lý cộng đồng, ảnh hưởng tiêu cực đến bài toán phát triển kinh tế - xã hội, hiệu quả công tác dân sinh… Chỉ nói riêng các quyết định yêu cầu cách ly người dân đi lại giữa các địa phương, buộc xét nghiệm dịch tễ giữa các địa bàn đã gây ra nhiều tranh luận, rồi phải đi đến tháo gỡ, xóa bỏ, khiến tâm lý xã hội thêm nhiều phức tạp, điều tiếng.
Do đó, với Nghị quyết 128, các địa phương thật sự cần chớp thời cơ, nhanh chóng cập nhật, đánh giá lại tình hình, hiện trạng dịch bệnh tận các cơ sở nhỏ nhất, để thích ứng tình hình “cách ly điểm, phong tỏa hẹp, bình thường mới” mà Trung ương đã vạch ra.
Tại địa bàn đặc trưng như TP. Buôn Ma Thuột, yêu cầu kiểm soát diễn biến dịch trong cộng đồng dân cư còn phức tạp, đối lập yêu cầu phải tạo điều kiện đi lại thông thoáng cho người dân, kết nối hàng hóa các doanh nghiệp, thật sự không đơn giản. Song với định hướng mà Nghị quyết 128 đưa ra, việc phân cấp vùng dịch với tiêu chí cụ thể, chủ động “trở lại trạng thái bình thường mới” nhanh nhất sẽ giúp tỉnh Đắk Lắk chủ động, quyết liệt, mạnh dạn thực thi trách nhiệm của người đứng đầu, của các cấp ủy đảng. Một cơ hội tái hồi phục kinh tế với thế chủ động toàn năng, huy động toàn bộ sức mạnh chính quyền và các nguồn lực trong dân, theo đó sẽ trải mở ra, chắc chắn tạo chuyển biến mạnh mẽ để địa phương đạt được những kết quả phấn đấu trong những tháng cuối cùng của năm 2021 đầy sóng gió.
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc