Multimedia Đọc Báo in

Nhân lên tình yêu thương và sự sẻ chia

12:28, 23/10/2021

Cùng với nhiều lực lượng, phụ nữ trên địa bàn thị xã Buôn Hồ  đã tích cực góp sức vào công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 qua những hoạt động thiết thực, cụ thể như vận động tặng quà, cung cấp suất ăn cho lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch, những hộ dân nghèo, người đang cách ly, điều trị…

Quà tặng của yêu thương

Từ nhiều tháng nay, bà Ngô Thị Ngọc Lan (phường Thiện An) luôn tất bật với công việc kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ nhu yếu phẩm, tiền mặt, phân chia thành từng phần quà để trao đến những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, các gia đình đang cách ly trong và ngoài địa phương; rồi lại lên thực đơn, tham gia nấu những bữa ăn sáng, ăn giữa buổi, nước uống… cho các lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch ở các chốt kiểm soát, khu cách ly, khu điều trị trên địa bàn thị xã.

Bà Ngô Thị Ngọc Lan (bìa phải) cùng các phụ nữ chuẩn bị những phần quà để hỗ trợ người dân khu phong tỏa trên địa bàn phường Thiện An. Ảnh: T.Hồng

Năm nay đã bước sang tuổi 60, nhưng người phụ nữ với dáng vóc nhỏ bé vẫn thoăn thoắt giữa ngổn ngang công việc trong những ngày cao điểm chống dịch. Từ khi dịch bệnh bùng phát lần thứ tư đến nay, bà Lan đã tham gia kêu gọi, vận động được trên 160 triệu đồng tiền mặt, hơn 3,5 tấn gạo, gần 30 tấn rau củ quả gửi hỗ trợ người dân TP. Hồ Chí Minh và hàng chục tấn rau củ quả cùng nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân trong và ngoài thị xã.

Đặc biệt từ ngày 20-9 đến nay, khi thị xã Buôn Hồ bùng phát dịch bệnh, "bếp ăn 0 đồng" do bà Lan và nhiều chị em tổ chức luôn đỏ lửa, trung bình mỗi ngày cung cấp khoảng 150 – 210 suất ăn sáng miễn phí, chuẩn bị thêm những bữa ăn giữa buổi, bữa khuya cho lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch trên địa bàn.

Với sự tảo tần và khéo léo, các chị, các mẹ còn tranh thủ làm thêm món ăn bán cho người dân nhằm tạo thêm kinh phí hoạt động cho bếp ăn cũng như mua sắm nhu yếu phẩm hỗ trợ người gặp khó khăn.

Bà Lan chia sẻ: “Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, thấy nhiều lao động nghèo gặp khó khăn khi không có việc làm, không có thu nhập nên tôi đã cùng một số bạn bè đứng ra kêu gọi, vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm chung tay, góp sức chia sẻ, giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn. Mỗi người sẽ tham gia đóng góp tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của mình. Người góp tiền, người góp nhu yếu phẩm, người tham gia nấu ăn cho lực lượng tuyến đầu, người ship hàng để kiếm thêm kinh phí… tất cả góp phần lan tỏa tinh thần đoàn kết, góp sức cho cuộc chiến đẩy lùi dịch COVID-19”.

Lắng nghe và chia sẻ

Là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 7 (phường Bình Tân), chị Đinh Thị Thùy Trang cố gắng sắp xếp thời gian sao cho vừa chu toàn việc nhà, vừa đảm đương việc hội.

Từ đầu tháng 7, trên địa bàn tổ dân phố 7 có khá nhiều con em đang sinh sống, học tập và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh trở về. Trước thực trạng đó, chị Trang đã đến từng hộ có người đang cách ly tại nhà nắm bắt tình hình thực tế, kịp thời nhắc nhở, giải thích để họ hiểu tuân thủ quy định 5K nhằm bảo vệ sức khỏe cho các thành viên trong gia đình cũng như xã hội.

Nhận thấy một số người đang cách ly không đeo khẩu trang khi tiếp xúc với mọi người, chị đã huy động kinh phí đi mua hàng chục hộp khẩu trang y tế để đến phát cho từng người.

Chị Đinh Thị Thùy Trang trao những suất cơm miễn phí cho cán bộ làm nhiệm vụ và người dân tại cơ sở cách ly tập trung. Ảnh: T.Hồng

Đến khi dịch bệnh bùng phát trên địa bàn thị xã, chị Trang lại đi kêu gọi, vận động bạn bè, hội viên phụ nữ và người dân tham gia đóng góp từng ký gạo, rau củ quả nhà trồng được cho người dân vùng phong tỏa và tiền mặt để mua khẩu trang, đồ bảo hộ cho cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tuyến đầu.

Đặc biệt, chị đã vận động các hội viên trong tổ may gia công trên địa bàn tranh thủ thời gian nhận hàng về làm thêm, trích tiền công được trả để hỗ trợ người khó khăn và công tác phòng, chống dịch của địa phương. Từ đầu tháng 10 đến nay, chị Trang còn tích cực tham gia vào hoạt động "bếp cơm 0 đồng" của Hội LHPN phường.

Chị Trang tâm sự, dịch bệnh COVID-19 bùng phát khiến cuộc sống của nhiều người vốn đã khó khăn nay càng khó khăn, vất vả hơn. Có thể góp chút công sức nhỏ bé để san sẻ, đồng hành cùng mọi người đẩy lùi dịch bệnh với chị đó là hạnh phúc, dù có những ngày đi tuyên truyền, kiểm tra và tham gia nấu ăn đến tận 9 - 10 giờ tối mới về đến nhà.

Có nhiều đêm nhận được cuộc gọi, tin nhắn của chị em gọi tâm sự về việc con em mình đang ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh bị nhiễm SARS-CoV-2, chị lại trở thành người bạn lắng nghe tâm sự, chia sẻ nỗi lo cũng như động viên, trấn an họ bình tĩnh để tìm cách vượt qua trong từng tình huống cụ thể.

Có thể nói, những việc làm thiết thực, đầy ý nghĩa nhân văn của bà Lan, chị Trang và rất nhiều phụ nữ khác đã phần nào hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh vơi bớt khó khăn, lo lắng; đồng thời tiếp thêm sức mạnh cho lực lượng tuyến đầu đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch tại địa phương, sớm mang lại cuộc sống bình thường mới.

Thúy Hồng – Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.