Multimedia Đọc Báo in

Những cộng tác viên dân số nhiệt tình, trách nhiệm

08:39, 28/10/2021

Xã Ea Kênh (huyện Krông Pắc) có 20 cộng tác viên (CTV) dân số, trong đó có người gắn bó với công việc hơn 20 năm và cũng có người "bén duyên" vài năm nhưng tất cả đều nhiệt huyết, trách nhiệm, góp phần làm tốt công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) ở địa phương.

Gần 17 năm làm CTV dân số ở buôn Kuaih, chị Nguyễn Thị Lịch chưa phải là "cây đa, cây đề" với công việc này, nhưng rất được đồng nghiệp yêu mến bởi có nhiều cách làm hay, linh hoạt. Buôn Kuaih có 150 hộ, 772 nhân khẩu, trong đó có 150 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Với phương châm “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng”, chị Lịch đã tuyên truyền, vận động người dân trong buôn thực hiện chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình, đặc biệt là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản, thai phụ, nam, nữ chuẩn bị kết hôn…

“Khi mới tiếp cận với công tác dân số, tôi gặp không ít khó khăn vì đa phần người dân trong buôn là đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức hạn chế, nhiều người né tránh, không tiếp chuyện", chị Lịch trò chuyện.

Không quản ngại khó khăn, chị Lịch kiên trì tiếp cận, nói chuyện về chính sách DS - KHHGĐ, đặc biệt tranh thủ vào buổi trưa, buổi tối đến nhà các hộ có hoàn cảnh khó khăn do sinh đông con, các cặp vợ chồng sinh con một bề để gặp gỡ, vận động họ thực hiện KHHGĐ; đồng thời tư vấn các biện pháp tránh thai an toàn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và không lựa chọn giới tính thai nhi…

Bên cạnh đó, chị Lịch còn thường xuyên phối hợp với cán bộ chuyên trách dân số xã tổ chức tuyên truyền nhóm nhỏ, tư vấn hộ gia đình, từ đó vận động người dân tham gia các hoạt động nâng cao chất lượng dân số. Những việc làm của chị Lịch đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác dân số của buôn, với trên 88% các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, tỷ lệ sinh con thứ ba giảm đáng kể.

Cộng tác viên dân số buôn Pok (xã Ea Kênh) H’Oanh Ayun (giữa) đến tận hộ gia đình tuyên truyền về DS - KHHGĐ.

Với hơn 22 năm làm CTV dân số ở buôn Pok, bà H’Oanh Ayun đã trở thành người nhà của các hộ trong buôn. Dẫu tuổi cao, bà vẫn cần mẫn với công việc tuyên truyền, phân tích, thuyết phục người dân thực hiện chính sách DS - KHHGĐ.

Bà H'Oanh cho biết: "Trước đây, người dân trong buôn còn nặng tư tưởng trời sinh voi sinh cỏ, sinh đông con để có người làm nương rẫy…, nên khi tôi đến nhà tuyên truyền, không ít gia đình tỏ vẻ khó chịu. Nói một lần chưa nghe, tôi nói lần thứ hai, rồi nói lần thứ ba. Nói ở nhà chưa thông, tôi tiếp tục nói ở những buổi họp buôn, sinh hoạt phụ nữ, khi đi làm đồng".

Nhiệt tình, tận tâm, am hiểu về văn hóa, phong tục của dân tộc Êđê, nhất là bà H'Oanh lại thủ thỉ bằng tiếng mẹ đẻ nên các cặp vợ chồng ở buôn Pok đã hiểu được lợi ích thực hiện KHHGĐ, cũng như hệ lụy của việc sinh nhiều con.

Chị H’Hoa Ayun, người dân buôn Pok cho hay: “Được bà H’Oanh vận động, năm 2018 sau khi sinh con thứ hai, vợ chồng tôi quyết định không sinh nữa để có điều kiện chăm sóc con cái và phát triển kinh tế gia đình”.

Không riêng gia đình chị H’Hoa nhiều cặp vợ chồng trong buôn đều có suy nghĩ như vậy.  Vì vậy, liên tục từ năm 2015 đến nay, buôn Pok không có trường hợp sinh con thứ ba. Từ việc xây dựng mô hình gia đình ít con, chất lượng dân số và đời sống người dân trong buôn ngày càng cải thiện và nâng cao.

Xã Ea Kênh có 15 thôn, buôn, với 20 CTV dân số. Nhiều năm qua, đội ngũ CTV dân số đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện có hiệu quả các chính sách về DS - KHHGĐ. Toàn xã hiện có 2.484 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có chồng nhưng đã có 80% cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, không có trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tỷ lệ sinh con thứ ba thấp, số trẻ và bà mẹ mang thai được tiêm chủng hằng năm đạt 100%…

Những CTV dân số hằng ngày vẫn thầm lặng đi đến từng nhà, gặp gỡ từng trường hợp để tuyên truyền về chính sách DS -KHHGĐ. Công việc không hề nhẹ nhàng, mức phụ cấp khá khiêm tốn, song vì trách nhiệm, tình yêu công việc giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ, vun đắp thêm hạnh phúc, ấm no cho mỗi gia đình ở địa phương.

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.