Tạm biệt những bệnh viện dã chiến và khu cách ly…
Hình ảnh bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 cơ sở Thới Hòa (tỉnh Bình Dương) trống hàng nghìn giường do bệnh nhân xuất viện khiến nhiều người mừng rơi nước mắt.
Bởi, nơi đây lúc cao điểm từng điều trị đến 20.081 bệnh nhân COVID-19. Bình Dương dự định cuối tháng 10 sẽ đóng cửa bệnh viện dã chiến lớn nhất tỉnh này.
Theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, từ đầu tháng 7-2021 đến nay, thành phố đã lập 16 bệnh viện dã chiến với quy mô khoảng 37.000 giường bệnh.
Trước số ca mắc COVID-19 mới đang giảm dần, TP. Hồ Chí Minh lên kế hoạch từ giữa tháng 10 đến tháng 12-2021 sẽ đóng cửa các bệnh viện dã chiến; trong đó ưu tiên đóng cửa sớm các bệnh viện dã chiến đặt tại các trường học và ký túc xá, trả lại mặt bằng cho học sinh, sinh viên chuẩn bị trở lại trường học.
Bệnh viện dã chiến số 1 tại ký túc xá thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh là cơ sở đầu tiên đã được giải thể.
Trên khắp đất nước, những ngày qua, rất nhiều bệnh viện dã chiến, cơ sở chăm sóc y tế, khu cách ly… đã hoàn thành sứ mệnh.
Rồi mai này, khi chúng ta đi qua những khu vực đó, đặc biệt học sinh những lúc tung tăng trên sân trường, đang mê say trong lớp học, giảng đường sẽ được nhận thêm nhiều bài học khi biết nơi mình đang đứng đây đã chứng kiến những thời khắc vô cùng khó khăn của đất nước.
Lực lượng tuyến đầu cùng người dân mắc bệnh, hoặc diện cách ly đã phải ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh không kém gì thời chiến đánh giặc ngoại xâm. Biết bao hy sinh, mất mát nhưng đồng thời cũng nảy mầm bao giá trị thiêng liêng của tình đồng bào.
Bệnh viện Dã chiến số 1 của tỉnh được trưng dụng từ Ký túc xá Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Ảnh: Kim Hoàng |
Chỉ trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, đã có hơn 20.000 cán bộ, viên chức, học viên và sinh viên tình nguyện được Bộ Y tế điều động hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Tại nhiều bệnh viện, các y bác sĩ đăng ký lên đường còn vượt quá số lượng dự kiến ban đầu. Ngày trở về sẽ là khúc hoan ca đẹp nhất. Đến nay, nhiều y bác sĩ, tình nguyện viên, chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ trở về gặp lại người thân sau bao ngày xa cách, trong niềm vui khôn xiết.
Trong bối cảnh đất nước còn nghèo, số lượng vắc xin hạn chế, không còn cách nào khác phải thiết lập các khu cách ly tập trung cùng bệnh viện dã chiến. Giờ đây, khi vắc xin hầu như đã được phủ rộng, thậm chí sắp tới trẻ em từ 12 - 18 tuổi cũng có kế hoạch được tiêm, cả đất nước sẽ bước sang trạng thái mới, giai đoạn sống chung với dịch bệnh, như các nước khác trên thế giới.
Bản thân cụm từ “dã chiến”, “cách ly” đồng nghĩa với việc không thể duy trì mãi mãi. Dịch bệnh cũng cho thấy chất lượng y tế quan trọng đến mức nào với đời sống của người dân.
Rõ ràng, không chỉ các bệnh viện lớn mà các bệnh viện nhỏ, trung tâm y tế cấp cơ sở cần phải được quan tâm đầu tư nhiều hơn về nhân lực, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng bởi thực tế bình thường thôi đã xảy ra tình trạng quá tải, nhiều thứ nhiêu khê. Dịch bệnh cũng là những liều thuốc thử hữu hiệu để giúp chính quyền các cấp chuyển đổi chất lượng quản trị đất nước, kỹ năng ứng xử với các tình huống cấp bách.
Hiện nay, mọi miền đã hình thành mạng lưới chăm sóc bệnh nhân tại nhà theo cấp phường, xã. Những “vùng xanh” đang được nhân rộng với tốc độ khá nhanh. Đã có những dòng người lao động trở lại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều thành phố lớn. Nhiều địa phương đã bắt đầu làm quen trở lại với nhịp sống bình thường.
Chúng ta cùng mong có thật nhiều lời tạm biệt những bệnh viện dã chiến, các khu cách ly, tạm biệt những ký ức đau thương!
Hữu Quý
Ý kiến bạn đọc