Multimedia Đọc Báo in

Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Đắk Lắk chung tay vượt qua đại dịch

08:17, 10/11/2021

Trong bối cảnh tác động của dịch bệnh COVID-19, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Đắk Lắk (NHCSXH) đã nỗ lực bảo đảm an toàn trong hoạt động giao dịch, đồng thời triển khai nhiều chương trình an sinh xã hội, chung sức cùng địa phương phòng, chống dịch.

Đến thời điểm này, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 5.599 tỷ đồng, tăng 374,7 tỷ đồng so với cuối năm 2020, tỷ lệ tăng trưởng đạt hơn 7%. Để đạt được kết quả này, NHCSXH đã linh hoạt ứng phó với dịch COVID-19, vừa nỗ lực phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh hoạt động cho vay tín dụng chính sách. Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn chi nhánh phải dừng hoặc dời hơn 100 phiên giao dịch. Đối với địa bàn "vùng xanh" và các vùng đã trở lại trạng thái "bình thường mới", đơn vị tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể nhận ủy thác giải ngân các chương trình tín dụng nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn cho các đối tượng chính sách. Đơn vị cũng đã chủ động triển khai phương án phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động giao dịch tại mỗi xã nhằm bảo đảm an toàn cho cán bộ, nhân viên và người dân đến giao dịch. Hiện nay, đơn vị cũng đang tích cực tạo điều kiện cho người dân từ các tỉnh thành phía Nam trở về được vay vốn sản xuất, ổn định cuộc sống tại chính quê hương mình từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cấp, với số tiền 19 tỷ đồng.

Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Đắk Lắk trao kinh phí hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 cho Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột.

Bên cạnh hoạt động nghiệp vụ, từ đầu năm 2021 đến nay, NHCSXH đã ủng hộ 555 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, ủng hộ Quỹ Vắc xin phòng COVID-19 thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh 50 triệu đồng; hỗ trợ các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh 180 triệu đồng; hỗ trợ tuyến đầu chống dịch tại tỉnh Đắk Lắk và người dân vùng phong tỏa 125 triệu đồng. Ngoài ra, hưởng ứng Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động, đơn vị đã tặng thiết bị phục vụ học tập cho 14 học sinh bị mồ côi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với tổng kinh phí 70 triệu đồng, trích từ nguồn đóng góp của cán bộ, công nhân viên chức trong đơn vị…

Mới đây nhất, trong hai ngày 2 và 3-11, NHCSXH đã thăm, tặng nhu yếu phẩm (tổng trị giá 65 triệu đồng) cho người dân buôn Kô Siêr (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột), buôn Tơng Ju (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột), buôn Ciêt (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) và một số buôn đang bị phong tỏa tại thị xã Buôn Hồ, các huyện Krông Ana, Krông Búk, Krông Pắc, Ea H’leo, Cư M’gar...

Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Đắk Lắk tặng máy tính phục vụ học tập cho học sinh mồ côi tại phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột.

Tại buôn Ko Siêr (TP. Buôn Ma Thuột) đã ghi nhận 127 ca mắc COVID-19 và 193 F1. Thành phố đã phong tỏa buôn với 1.500 hộ, 6.500 khẩu từ ngày 22-10. Hiện, trong buôn còn 5 khu dân cư bị phong tỏa, với 255 hộ dân. Ông Bùi Thanh Gấm, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Lập cho biết, NHCSXH và các tổ chức, cá nhân, đơn vị đã hỗ trợ 2.000 suất quà để phát cho người dân 3 ngày một lần. Trong điều kiện nguồn lực của địa phương có hạn, sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, đơn vị có vai trò quan trọng giúp phường cung ứng, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân vùng phong tỏa.

Còn tại buôn Ciêt (huyện Cư Kuin) đã có 66 ca mắc COVID-19. Xã phong tỏa buôn này từ ngày 20-10 và huy động nguồn lực vừa chống dịch, vừa đảm bảo an sinh xã hội cho người dân và thức ăn cho gia súc, gia cầm. Vừa qua, Công đoàn NHCSXH đã trao tặng 5 triệu đồng cho công tác chống dịch, nhằm chia sẻ khó khăn với chính quyền địa phương, giúp người dân yên tâm cách ly y tế tại nhà và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Ông Nguyễn Minh Hướng, Phó Giám đốc NHCSXH cho biết, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, đơn vị đã tập trung thực hiện "nhiệm vụ kép" là vừa phòng, chống dịch, vừa đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, sinh hoạt đời sống, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cho các đối tượng chính sách, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Đơn vị cũng thực hiện nhiều hoạt động nhằm chia sẻ khó khăn với ngành y tế, lực lượng tuyến đầu, chốt kiểm soát dịch và người dân để cùng nhau vượt qua dịch bệnh. Thời gian tới, chi nhánh sẽ đẩy mạnh cho vay với những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và lao động từ các tỉnh thành phía Nam trở về địa phương.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.