Multimedia Đọc Báo in

Thủ lĩnh "đa hệ" của phong trào thanh niên

07:27, 16/11/2021

Là Phó Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thị trấn Quảng Phú, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Cư M’gar, anh Huỳnh Xuân Lợi (SN 1988) còn là thủ lĩnh của nhiều câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm với những hoạt động "đa hệ" thiết thực trong phong trào thanh niên tại địa phương.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác thanh niên, dựa trên tình hình thực tế, anh Lợi đã trực tiếp chỉ đạo và tham mưu xây dựng, thành lập các CLB, đội, nhóm theo sở thích, công việc như: CLB Yêu thích thể thao; CLB thanh niên giúp nhau làm kinh tế; Đội công tác xã hội tình nguyện phòng, chống ma túy, mại dâm, buôn bán người; Đội xung kích giữ gìn trật tự an toàn giao thông; Đội xung kích tình nguyện phòng, chống và khắc phục hậu quả bão lụt, thiên tai… thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia với nhiều hoạt động an sinh xã hội, vì cộng đồng.

Thanh niên tích cực tham gia các đợt ra quân dọn rác thải, bóc xóa quảng cáo rao vặt trái phép, các đội hình thanh niên tình nguyện xây dựng tuyến đường sạch đẹp, tổ chức “Ngày thứ bảy tình nguyện” hướng dẫn người dân khai báo y tế trên điện thoại,  “Ngày chủ nhật nhân ái” thăm hỏi, tặng quà người có công, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn…

Ngoài ra, còn phối hợp tổ chức hiệu quả các chương trình “Ngày hội nhân ái”, “Thanh niên làm theo lời Bác, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, “Trăng yêu thương”, “Hè của bé”; “Xây dựng nhà nhân ái”…

Anh Huỳnh Xuân Lợi (thứ hai từ phải sang) nhận Giải thưởng "15 tháng 10" năm 2021

Trong công tác phòng, chống dịch, anh cùng đoàn viên thanh niên trên địa bàn thị trấn Quảng Phú làm hàng chục nghìn kính chắn giọt bắn cho tuyến đầu phòng, chống dịch, tặng trên 5.000 khẩu trang cho người dân.

CLB Hiến máu thị trấn Quảng Phú do anh Lợi làm chủ nhiệm có trên 100 thành viên sẵn sàng tham gia hiến máu cứu người, nhiều thành viên đã hiến máu trên 10 lần, bản thân anh Lợi đã hiến máu 14 lần. Bên cạnh đó, anh đã thành lập CLB Ngân hàng máu sống thuộc Hội LHTN Việt Nam thị trấn Quảng Phú, đồng thời tham mưu thành lập CLB Ngân hàng máu sống huyện Cư M’gar để chủ động và kịp thời hỗ trợ ở những tình huống khẩn cấp. Từ khi thành lập đến nay nhiều thành viên đã cùng tham gia hiến máu khi có thông tin bệnh nhân cần máu gấp tại các bệnh viện trên địa bàn huyện, tỉnh.

Đội công tác xã hội tình nguyện phòng, chống ma túy, mại dâm, buôn bán người thị trấn Quảng Phú do anh Lợi làm đội trưởng cùng các thành viên đã giúp hơn 10 thanh niên sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Các thành viên thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện để nắm bắt thông tin và tâm tư nguyện vọng của thanh niên sau cai nghiện, giúp họ có những hướng đi đúng đắn, không sa ngã vào con đường cũ. Ngoài ra, Đội cũng đã giúp một thanh niên mãn hạn tù về địa phương được tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ của Huyện Đoàn Cư M’gar để phát triển kinh tế.

Anh Huỳnh Xuân Lợi hiến máu cứu người tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên Ảnh: Nhân vật cung cấp

Quan tâm chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho hội viên, anh Lợi tham mưu cho Ủy ban Hội LHTN Việt Nam huyện phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao trên địa bàn, thông qua các hoạt động như: Liên hoan Thanh niên hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc, Hội trại Văn hóa – Thể thao các dân tộc, Giải Việt dã truyền thống hằng năm, Ngày hội “Khi tôi 18”…; phối hợp mở các lớp học đàn tính, hát then, cồng chiêng, phát triển các CLB hát then, đàn tính, CLB Cồng chiêng trẻ tại các cơ sở hội, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Với sự nỗ lực cống hiến, nhiều năm liền anh Huỳnh Xuân Lợi được Hội LHTN Việt Nam tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào thanh niên. Năm 2021, anh Lợi đã vinh dự được nhận Giải thưởng "15 tháng 10" của Trung ương Hội LHTN Việt Nam.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.