Multimedia Đọc Báo in

Một vài đề xuất về dạy và học tiếng dân tộc thiểu số

09:14, 15/11/2021

Vùng đất Tây Nguyên hiện nay không còn thuần nhất đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, mà còn là nơi sinh sống, học tập, công tác, làm ăn của người dân từ mọi miền đất nước.

Để tạo điều kiện hiểu biết lẫn nhau và làm việc có hiệu quả, việc tìm hiểu văn hóa, tập tục truyền thống, học tiếng dân tộc thiểu số tại chỗ trong những năm qua được các địa phương Tây Nguyên rất quan tâm.

Tại tỉnh Đắk Lắk, tiếng Êđê được dạy thí điểm ở các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) từ năm 1977, nghĩa là chỉ 2 năm sau ngày đất nước được thống nhất. Chương trình học được biên soạn lại từ các sách giáo khoa cũ. Tuy nhiên, việc dạy tiếng Êđê chỉ duy trì được khoảng 10 năm thì dừng, có lẽ vì thiếu giáo viên cũng như sách giáo khoa chưa ổn. Đến những năm đầu thế kỷ 21, công tác này mới được khởi động lại, với hệ  thống sách giáo khoa chuẩn hơn, đội ngũ giáo viên cũng được bồi dưỡng nghiệp vụ hằng năm.

Ảnh minh họa
(Ảnh minh họa)

Đối với việc dạy tiếng Êđê cho cán bộ, công chức, giai đoạn 2003 -  2014, tỉnh Đắk Lắk có hẳn chương trình cấp tỉnh được tổ chức ở khắp các huyện, thành phố. Chứng chỉ tiếng Êđê được công nhận thay thế cho chứng chỉ ngoại ngữ khi xét nâng bậc công chức. Điều này khiến phong trào học tiếng dân tộc thiểu số trở nên rộng khắp. Sở Nội vụ và Sở Giáo dục – Đào tạo biên soạn tài liệu giảng dạy 6 tháng/khóa và cấp chứng chỉ. Nội dung học rất đa dạng, có thể dạy cho các lứa tuổi thiếu niên lẫn cán bộ, công chức.

Tuy nhiên, thực chất của chương trình này cũng chưa hẳn mang tính ưu việt. Bởi thời gian học 6 tháng là quá dài, chưa phù hợp với điều kiện công tác của công chức dù là học ngoài giờ làm việc; sách giáo khoa nặng về hình thức, nội dung quá rộng, chưa chú trọng phần giao tiếp; tài liệu tham khảo ngoài bài giảng (sổ tay hội thoại thông dụng) chưa được biên soạn... Điều đó dẫn đến tình trạng đa số cán bộ, công chức học xong chỉ lấy chứng chỉ bổ sung hồ sơ, chứ không có điều kiện thực hành; chỉ một số chiến sĩ công an, quân đội, thành viên các đội công tác ở buôn làng còn có cơ hội sử dụng. Sau 5 năm thực hiện, chương trình kết thúc, kết quả hầu hết cũng chỉ là những tấm giấy chứng chỉ.

Năm 2007, được sự hỗ trợ của Quỹ FORD (một quỹ tư nhân hỗ trợ các hoạt động khoa học, xã hội và nhân đạo…), một nhóm nữ trí thức người Êđê đã cùng nhau lựa chọn, lọc ra từ văn học dân gian Êđê truyền miệng để biên soạn thành một tài liệu dạy chữ cho thanh thiếu niên người Êđê. Thời gian học 3 tháng, với các nội dung chủ yếu về truyền thống văn hóa và giao tiếp thông thường, chú trọng việc dạy chữ là chính. Tài liệu này được sử dụng dạy cho 6 lớp ở Trường Trung cấp Đam San, buôn Ako Dhông (xã Cư Êbuôr)... mang lại hiệu quả rất tốt.

Phát huy kết quả trên, Trung tâm Phát triển nông thôn Tây Nguyên (địa chỉ tại đường Thăng Long, TP. Buôn Ma Thuột) đã biên soạn lại tài liệu, tiếp tục tổ chức dạy cho 5 lớp nữa với đối tượng là cán bộ các cơ quan, ban, ngành, chú trọng việc dạy tiếng (nói)  hướng tới giao tiếp thông thường và hội thoại theo nghề nghiệp; có các từ ngữ chuyên ngành y, nông nghiệp... Lớp nào cũng có các buổi đi thực tế, thực hành giao tiếp tại buôn. Qua các lớp học cho thấy học viên tiếp thu tốt, sử dụng được ngôn ngữ Êđê trong công việc cần tiếp xúc với đồng bào Êđê tại nơi công tác. Việc giảng dạy tại Trung tâm phải dừng lại năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Thiết nghĩ, dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức công tác ở miền núi, cao nguyên là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Để nâng cao hiệu quả công tác này, xin mạnh dạn có một số đề xuất sau:

Trong biên soạn chương trình, tài liệu giảng dạy, nên chú trọng tới việc thành thạo tiếng nói hơn là chữ viết; đặc biệt là rèn luyện kỹ năng giao tiếp, hội thoại.

Để người học có thể hiểu về truyền thống văn hóa tộc người, nội dung chương trình nên tập trung vào những bài giới thiệu về nét đẹp văn hóa: phong tục, tập quán, văn học truyền miệng, luật tục, nghệ thuật diễn xướng...

Cần biên soạn sổ tay hội thoại, gồm những câu giao tiếp thông thường, những câu hỏi đáp phù hợp với cuộc sống đương đại.

Thời gian các lớp không nên kéo dài, chỉ cần từ 3 - 4 tháng/khóa (học ngoài giờ).

Linh Nga Niê Kđăm


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.