Multimedia Đọc Báo in

Vững lòng đoàn kết vượt bão giông

08:05, 26/11/2021

Trong đại dịch COVID-19, tinh thần đoàn kết càng tỏa sáng. Từ cấp tỉnh đến thôn, buôn, tổ dân phố, từng cụm dân cư đã xây dựng các phòng tuyến chống dịch phù hợp với quyết sách, chủ trương phòng, chống dịch từng giai đoạn và cấp độ dịch cụ thể.

Ở mỗi phòng tuyến ấy, bên cạnh lực lượng tuyến đầu chống dịch là đội ngũ y, bác sĩ ngành y tế, là cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên còn có sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân.

Khi “giặc COVID” ập đến, phòng tuyến từ sức mạnh đoàn kết của nhân dân đã trở thành một pháo đài, có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ của các lực lượng để vừa đánh “giặc” vừa chăm lo an dân, an sinh xã hội. Nhiều người xông pha vào tâm dịch, làm việc gấp nhiều lần bình thường, làm những việc trước đây chưa từng làm và cả những việc không tên, không công nhưng không ai một lời than vãn. Tinh thần ấy, quyết tâm ấy, sự đoàn kết, đồng lòng ấy đã tạo thành sức mạnh to lớn để ứng phó với dịch bệnh.

Lực lượng tình nguyện của xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ) thu gom cỏ, rơm khô để hỗ trợ các hộ chăn nuôi gia súc trong thời gian thực hiện cách ly y tế.

Cuộc chiến chống dịch kéo dài đòi hỏi nguồn lực lớn trong khi ngân sách có hạn. Chính vì vậy, Trung ương đã phát động đợt cao điểm ủng hộ phòng, chống dịch, kêu gọi các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức, kiều bào ta ở nước ngoài... tham gia đóng góp, ủng hộ để toàn dân, toàn quân ta sớm chiến thắng dịch bệnh. Tại lễ phát động vào tháng 5/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Việt Nam là một dân tộc có truyền thống đoàn kết, luôn thể hiện được bản lĩnh, ý chí vững vàng mỗi khi đương đầu với mọi hiểm nguy, thách thức. Nhờ vậy, không có khó khăn nào mà nước ta không thể vượt qua. Tại thời điểm này, phẩm chất của dân tộc ta lại một lần nữa được củng cố và phát huy toàn diện.

Hưởng ứng lời kêu gọi ấy, hàng triệu triệu tấm lòng đã đóng góp vào Quỹ Vắc xin, ủng hộ kinh phí, vật tư phòng, chống dịch. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã trích lợi nhuận, quỹ phúc lợi, vận động cán bộ, công nhân đóng góp để ủng hộ quỹ. Cán bộ, công chức, viên chức ủng hộ bằng một phần lương, qua tin nhắn. Đoàn viên, hội viên tự nguyện đóng góp và đứng ra vận động nguồn lực. Nhiều nông dân sẵn sàng cho cả vườn rau, bao gạo. Nhiều đối tượng chính sách tự nguyện đóng góp cả tháng tiền trợ cấp của mình. Nhiều học sinh đã đập heo đất lấy tiền tiết kiệm ủng hộ chống dịch... Tất cả những nghĩa cử ấy đã lan tỏa tinh thần “tương thân tương ái” trong cộng đồng, tạo thành nguồn lực to lớn vừa chống dịch vừa chăm lo cho chính người dân vùng dịch.

Giúp dân chuẩn bị thức ăn chăn nuôi cho gia súc trong thời điểm xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ) phong tỏa do dịch COVID-19.

Sự sáng tạo của Việt Nam nói chung và của tỉnh ta nói riêng trong đại dịch là minh chứng cụ thể cho việc phát huy sức mạnh nội sinh của cộng đồng, thể hiện giá trị nhân văn, truyền thống “tương thân tương ái”. Những “Siêu thị 0 đồng”, “Chuyến xe nghĩa tình”, “ATM gạo”, “Bếp ăn 0 đồng”, “Túi quà an sinh”, “Túi thuốc an sinh” hay giúp dân chăm sóc gia súc, gia cầm, đi chợ hộ... không đơn thuần chỉ mang ý nghĩa giúp nhau về vật chất mà còn là tình đồng chí, nghĩa đồng bào, san sẻ yêu thương, chung tay, tiếp sức cho nhau vượt qua đại dịch. Đó chính là mạch nguồn nhân văn, là sự đoàn kết, sáng tạo, thích ứng linh hoạt với mọi hoàn cảnh.

Nếu không vững lòng đoàn kết thì không thể “chống dịch như chống giặc”. Trong nguy nan, thử thách, những phẩm chất, giá trị tốt đẹp của người Việt càng tỏa sáng hơn bao giờ hết. Tinh thần đoàn kết, sự kiên định, nhất quán, ứng biến linh hoạt sẽ giúp chúng ta vượt qua bão giông để trở lại cuộc sống bình thường mới.

Nguyễn Xuân
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.