Multimedia Đọc Báo in

Các địa phương tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ

15:35, 03/12/2021

Từ ngày 26 đến 30/11, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn gây lũ, ngập lụt, làm thiệt hại về người và tài sản ở các huyện M’Drắk, Ea Kar, Krông Bông, Krông Năng. Chính quyền các địa phương đang tập trung lực lượng khắc phục hậu quả thiên tai nhằm sớm ổn định đời sống nhân dân.

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính đến 16 giờ ngày 2/12, mưa lũ trên địa bàn tỉnh đã làm 2 người chết do nước cuốn trôi; có khoảng 500 ha hoa màu bị ngập úng; nhiều diện tích ao, hồ nuôi thủy sản bị nước ngập tràn bờ làm mất trắng. Đặc biệt là nhiều tuyến đường giao thông, cầu, cống bị hư hỏng, sạt lở gây chia cắt cục bộ.

Huyện Ea Kar là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề. Toàn huyện có 21 điểm ngập cục bộ, nhiều diện tích hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị ngập sâu, một số hạ tầng giao thông hư hỏng nghiêm trọng, gây chia cắt và khó khăn cho người dân trong lưu thông.

Đặc biệt, mưa lũ đã khiến cầu Thống Nhất, bắc qua sông Krông Pách (đoạn qua thôn 2A, xã Ea Ô), bị hư hỏng nặng khi đường dẫn đầu phía nam cầu bị đổ sụp hoàn toàn, gây chia cắt giao thông, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân sinh.

Ông Nguyễn Đình Luận (thôn 1, xã Ea Păl) cho hay, cầu Thống Nhất đoạn qua xã Ea Ô là con đường huyết mạch của người dân các xã Ea Ô, Cư Bông, Cư Elang, Ea Păl. Hiện là mùa thu hoạch các loại cây ăn quả, nhưng giao thông ách tắc thì rất khó khăn cho nhân dân.

Đặc biệt, đây là tuyến đường phục vụ cho học sinh của các xã Ea Ô, Cư Elang, Cư Bông đi học, cầu sập thì học sinh phải đi quãng đường gần 30 km mới đến được trường học. Cầu Thống Nhất đã được xây dựng từ rất lâu, hằng năm đều xảy ra lũ lụt làm ngập và hư hỏng cầu. 

Cầu Thống Nhất trên địa bàn huyện Ea Kar bị hư hỏng nghiêm trọng trong đợt mưa lũ vừa qua.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ea Ô Phùng Văn Hiếu, do ảnh hưởng của mưa kéo dài, nhiều diện tích hoa màu ở vùng trũng bị thiệt hại. Hiện địa phương cũng đã chủ động khắc phục theo phương châm “4 tại chỗ”, tuyên truyền người dân hạn chế đi lại khu vực có nguy cơ sạt lở, bị ngập sâu...

Ông Lê Đình Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar cho biết, để ứng phó với diễn biến thời tiết, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện đã chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng tại chỗ tập trung khắc phục hậu quả do mưa lũ, sớm ổn định đời sống nhân dân.

Riêng sự cố cầu Thống Nhất, trước mắt huyện sẽ làm cầu tạm để các phương tiện như xe máy, xe đạp lưu thông nhằm phục vụ nhu cầu đi lại cấp thiết của nhân dân, nhất là phục vụ học sinh đi học. Huyện sẽ báo cáo tỉnh để đề xuất nguồn vốn khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất có thể nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa và ổn định đời sống nhân dân.

Ở huyện M’Drắk, nhiều cầu, cống, công trình thủy lợi bị hư hỏng, như: cống dân sinh thôn 3 đi Đồi 87 (xã Ea Riêng) bị cuốn trôi cụm cống thoát nước; cầu dân sinh tại thôn 10 (xã Ea H’mlay) bị cuốn trôi; cầu thôn 4 (xã Ea M’đoal) bị xói lở, nứt gây mất an toàn… Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã chỉ đạo chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo, hướng dẫn người dân lưu thông qua tuyến đường khác nhằm bảo đảm an toàn về người.

Tại huyện Lắk, Phòng NN-PTNT cũng đã đi kiểm tra các xã bị ngập, trong đó thiệt hại sản xuất tập trung ở xã Ea R'bin, với khoảng hơn 100 ha hoa màu các loại. Huyện đã chỉ đạo xã tiến hành rà soát lại các diện tích bị ngập để tiến hành thống kê thiệt hại nhằm hỗ trợ kịp thời cho người dân tái sản xuất.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hiện nay, mực nước trên sông Krông Ana, sông Sêrêpốk đang lên nhanh; mực nước trên sông Krông Búk đang xuống. Dự báo mực nước trên sông Krông Ana và Sêrêpốk tiếp tục lên nhanh và dao động trên mức báo động 2; mực nước trên sông Krông Búk tiếp tục xuống và dao động ở báo động 1.

Ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, để sớm khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, Sở đã tổ chức đoàn kiểm tra các địa phương bị ảnh hưởng và thiệt hại do mưa lũ. Đồng thời, chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện chủ động các phương án ứng phó, hạn chế thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ gây ra.

Từ trưa 2/12, lượng mưa đã giảm, nước lũ bắt đầu rút, chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ cùng người dân khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, sớm ổn định đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Bên cạnh đó, tổ chức thống kê thiệt hại để có sự hỗ trợ theo quy định.

Minh Thuận - Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.