Multimedia Đọc Báo in

Góp sức xây dựng quê hương

04:21, 23/12/2021

Từng xông pha trên chiến trường, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, khi về với cuộc sống thời bình, các cựu chiến binh (CCB) trên địa bàn huyện Krông Pắc lại xung kích trong phát triển kinh tế, giúp nhau ổn định cuộc sống, đóng góp xây dựng và phát triển địa phương.

Xung kích trên mặt trận kinh tế

Đến tham quan, tìm hiểu hoạt động trang trại chăn nuôi heo khép kín của CCB Nguyễn Thái Học ở thôn 6 (xã Tân Tiến), nhiều người không khỏi cảm phục tinh thần vượt khó của người lính Cụ Hồ. Kể lại quá trình gây dựng cơ ngơi, ông Học cười: “Khó khăn, gian khổ, nguy hiểm như tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mình còn làm được mà lại đầu hàng cái đói, cái nghèo thì không xứng đáng là người lính”.

Cựu chiến binh Nguyễn Thái Học (xã Tân Tiến) ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để quản lý, giám sát trang trại từ xa.

Như bao người đi kinh tế mới, lúc đầu, gia đình ông Học cũng gặp nhiều khó khăn, vừa làm thuê, vừa chăn nuôi thêm heo, gà để cải thiện cuộc sống. Được tham quan, học tập nhiều mô hình, năm 2009, ông đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi. Tiền lãi thu được, gia đình ông đầu tư hoàn thiện dần trang trại và đào thêm 1 ao nuôi cá. Nắm bắt được những lợi ích của công nghệ 4.0, năm 2020, ông Học tìm tòi, ứng dụng để xây dựng và điều hành trang trại chăn nuôi khép kín với 100 heo thịt, 12 heo nái. Nguồn phế thải chăn nuôi được xử lý qua 4 hầm biogas, bảo đảm vệ sinh môi trường và có thêm nhiên liệu để đun nấu. Phía trên mái của trang trại, ông lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời giúp tiết kiệm chi phí tiền điện hằng tháng. Các ô chuồng nuôi đều được lắp đặt camera, kết nối với điện thoại, ti vi, giúp ông dễ dàng theo dõi và giám sát đàn heo. Cách làm này giúp trang trại phát triển ổn định, mỗi năm thu lãi trên 250 triệu đồng.

 

Trong 5 năm (2016 - 2021), các cấp Hội CCB huyện Krông Pắc đã hỗ trợ, giúp đỡ 103 hộ hội viên thoát nghèo; tỷ lệ hộ CCB nghèo giảm từ 3,11% xuống còn 1,04%. Hiện có 6 hội cơ sở gồm: Ea Kênh, Tân Tiến, Hòa Tiến, Ea Kuăng, Ea Knuếc, Ea Phê cơ bản không còn hộ CCB nghèo.

Không chỉ ông Học, trên địa bàn huyện Krông Pắc còn rất nhiều CCB xung kích trong phát triển kinh tế. Toàn Hội hiện có 11 doanh nghiệp, 3 hợp tác xã, 2 tổ hợp tác, 35 trang trại, 104 gia trại do CCB làm chủ. Các doanh nghiệp, loại hình kinh tế tập thể, gia trại của CCB đã tạo việc làm cho nhiều hội viên, con em tại địa phương. Đến nay, Huyện hội Krông Pắc có 2.180/5.396 hộ CCB khá và giàu (chiếm 40,4%), tăng 1,2 % so với năm 2016.

Ấm áp nghĩa tình người lính

Không chỉ làm kinh tế giỏi, các CCB huyện Krông Pắc còn năng động và sáng tạo trong giúp đỡ hội viên khó khăn. Đơn cử như CCB Nguyễn Thái Học đã đầu tư con giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, truyền đạt kinh nghiệm giúp 3 hội viên xây dựng được trang trại chăn nuôi heo. Bên cạnh đó, ông còn đóng góp 13 triệu đồng xây dựng cổng chào thôn và hỗ trợ thêm kinh phí xây dựng nhà cho 3 hộ khó khăn.

Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ea Kuăng Thân Ngọc Duyến (bên trái) chia sẻ hoạt động của cơ sở thu mua phế liệu, tạo việc làm cho hội viên.

Hay như CCB Thân Ngọc Duyến, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Ea Kuăng. Từng là người lính, ông hiểu rõ những khó khăn của đồng đội khi trở về với cuộc sống đời thường. Chính vì vậy, không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, ông luôn tìm cách trợ lực cho hội viên. Từ một cơ sở thu mua phế liệu nhỏ, ông đã phát triển, nhân rộng ra 3 cơ sở, vừa thu gom, buôn bán phế liệu, vừa sản xuất lưới B40, tôn, tạo việc làm cho 18 con em hội viên CCB và người dân địa phương với mức thu nhập trung bình 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Cuộc sống ngày càng ổn định, phát triển, ông càng có điều kiện giúp đỡ đồng đội. Không chỉ cho hội viên, hộ khó khăn vay 100 triệu đồng không tính lãi, đóng góp 15 triệu đồng/năm vào Quỹ xây nhà Đồng đội, ông còn tặng sổ tiết kiệm, hỗ trợ xây dựng 2 căn nhà cho hội viên khó khăn và ủng hộ kinh phí cho MTTQ xây dựng 4 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, ủng hộ 5 triệu đồng xây dựng đường giao thông nông thôn.

Chủ tịch Hội CCB huyện Krông Pắc Nguyễn Thái Quý cho biết: Tấm lòng của người lính trong thời bình không chỉ thể hiện ở việc tương trợ, giúp nhau cùng phát triển mà còn đóng góp xây dựng địa phương. Từ năm 2016 đến nay, hội viên CCB trên địa bàn huyện đã hiến 5.400 m2 đất, đóng góp trên 12 tỷ đồng và hơn 3.300 ngày công để làm mới, sửa chữa, nâng cấp 146,6 km đường giao thông nông thôn, sửa chữa, xây dựng 75,6 km kênh mương nội đồng và 1 cây cầu, góp phần hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.