Multimedia Đọc Báo in

Liên tiếp ghi nhận các trường hợp bị rắn độc cắn

08:20, 08/12/2021

Thời gian vừa qua, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên liên tục tiếp nhận các trường hợp nhập viện do bị rắn độc cắn. Trong số đó có không ít bệnh nhân sơ cứu không đúng cách khiến vết thương có nguy cơ hoại tử, sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng.

Trong lúc đi làm rẫy, anh N.V.N. (trú huyện Ea Kar) bị rắn cạp nia cắn. Sau đó, anh N. được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp và tiếp tục được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Hơn một tuần điều trị, mặc dù đã được bệnh viện tận tình cứu chữa, nhưng do bệnh tình diễn biến xấu, anh N. đã không qua khỏi.

May mắn hơn anh N., chị H.B.N. (trú huyện Cư Kuin) bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Sau khi được sơ cứu, người nhà lập tức đưa chị nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Tại đây, các bác sĩ nhanh chóng dùng huyết thanh kháng nọc rắn điều trị kịp thời, nhờ vậy sức khỏe chị đã hồi phục và được xuất viện.

Một trường hợp bị rắn cắn sơ cứu không đúng cách dẫn đến cánh tay bị hoại tử phải cắt bỏ.

Theo bác sĩ CKII Trịnh Hồng Nhựt, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), hiện đang vào mùa thu hoạch cà phê, cộng với thời tiết mưa nhiều, rắn sinh sôi, nảy nở làm tăng nguy cơ tai nạn do bị rắn cắn. Tính từ đầu mùa mưa đến nay, khoa thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bị rắn cắn với mức độ nặng, nhẹ khác nhau, loại rắn thường gặp là rắn lục đuôi đỏ. Có những ngày cao điểm, số bệnh nhân nhập viện do rắn cắn từ 3 - 5 ca. Hiện tại, đối với loại rắn lục, bệnh viện đã có huyết thanh giải độc nên tỷ lệ tử vong đối với các bệnh nhân vào cấp cứu điều trị vì bị rắn lục đuôi đỏ cắn gần như không có. Tuy nhiên, đối với các loại rắn khác như cạp nong, cạp nia, rắn hổ… sẽ nguy hiểm hơn, tỷ lệ tử vong cao bởi trên thị trường đang khan hiếm huyết thanh kháng độc đối với các loại rắn này.

Cũng theo bác sĩ CKII Trịnh Hồng Nhựt, hầu hết các trường hợp bị rắn độc cắn, nọc độc sẽ gây liệt cơ, dẫn đến suy hô hấp, nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao. Khi bị rắn cắn, cần hết sức bình tĩnh, thực hiện sơ cứu đúng cách để không nguy hiểm đến tính mạng. Song, trên thực tế có không ít trường hợp bệnh nhân khi nhập viện do sơ cứu không đúng cách, garo bầm tím tay, chân gây nguy cơ hoại tử rất lớn. Bên cạnh đó, khi sơ cứu không đúng cách, garo quá chặt và quá lâu, khi mở garo bệnh nhân dễ bị sốc phản vệ do nọc độc bị garo quá lâu, gây ứ máu, khi tháo garo các nọc độc ồ ạt lưu thông theo máu gây sốc đe dọa tính mạng bệnh nhân. “Khi bị rắn cắn có thể bệnh nhân chưa chết nhưng do sơ cứu sai khiến tính mạng bệnh nhân nguy hiểm hoặc gây ra các biến chứng về sau”, bác sĩ Nhựt nhấn mạnh.

Để sơ cứu đúng cách khi bị rắn cắn, cần bình tĩnh nặn nhẹ vết rắn cắn, rửa, vệ sinh sạch sẽ vùng bị cắn và lưu ý băng ép nhẹ nhàng để giữ vết cắn hạn chế cử động, hạn chế sự di chuyển của nọc độc chứ không phải garo thật chặt, đồng thời nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được các y bác sĩ xem xét và điều trị kịp thời. Ngoài ra, mọi người cần lưu ý không nên áp dụng kinh nghiệm dân gian chích hút nọc độc, đắp lá… dẫn đến cấp cứu muộn, hiệu quả của huyết thanh và thuốc điều trị bị giảm hoặc bệnh nhân bị nhiễm trùng gây nguy hiểm đến tính mạng.

Kim Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.