Multimedia Đọc Báo in

Phát huy vai trò người có uy tín ở buôn làng

08:43, 31/12/2021

35 năm tham gia công tác xã hội tại buôn, từ Đội công tác vận động quần chúng, trưởng buôn, phó bí thư chi bộ, trưởng ban công tác Mặt trận, người có uy tín buôn Drao (xã Cư Né, huyện Krông Búk), ông Y Krú Ayun được bà con xem như người nhà.

Ông nắm rõ “lai lịch” từng người, hiểu hoàn cảnh từng gia đình. Ông luôn quan tâm tuyên truyền, vận động bằng nhiều cách, “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, nói cho bà con hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ông Y Krú chia sẻ: “Thời điểm cách đây 10 năm trước, tình trạng vượt biên trái phép làm cho buôn Drao trở thành địa bàn “nóng” về an ninh trật tự, mình tự trách mình chưa làm được gì nhiều để giúp bà con khỏi lầm đường lạc lối”. Nhiều cuộc họp dân, phát động quần chúng được tổ chức, cuộc nào Y Krú cũng tham gia để nói cho bà con hiểu. Không những vậy, ông còn tranh thủ những lúc bà con không đi nương, rẫy để đến tận nhà giải thích, khuyên nhủ gia đình có người thân vượt biên động viên họ về lại buôn làng. Dần dần, nhiều người đã quay trở lại sinh sống, làm ăn tại địa phương, những năm gần đây buôn Drao không còn người vượt biên trái phép.

Ông Y Krú Ayun (bìa phải), người có uy tín buôn Drao (xã Cư Né, huyện Krông Búk) tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Rồi dịch COVID-19 ập đến, buôn Drao trở thành tâm dịch. Ông Y Krú lại tiên phong tham gia cùng lực lượng chức năng truy vết, vận động bà con khai báo y tế, tham gia test nhanh kháng nguyên... Ông cùng các thành viên trong đội xung kích của buôn đã không quản hiểm nguy để vận chuyển lương thực, hàng hóa, giúp bà con chăn nuôi gia súc, gia cầm trong thời gian buôn cách ly, phong tỏa. Những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và bản thân ông đã giúp buôn Drao dần "khỏe" lại, bà con chăm lo làm ăn và đồng lòng chống dịch để duy trì cuộc sống bình thường mới.

 

“Toàn tỉnh hiện có 1.021 người có uy tín. Hoạt động của người có uy tín ngày càng phát huy hiệu quả, thực sự là cầu nối quan trọng để chuyển tải những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân; thông tin, trao đổi, gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân đến với Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội”.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh H’Yâo Knul

Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Đội trưởng Đội Công tác 253 huyện Krông Búk Y Việt Knul cho biết: Toàn huyện hiện có 43 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua, người có uy tín trên địa bàn huyện đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, gìn giữ văn hóa truyền thống. Họ trở thành lực lượng nòng cốt trong phong trào xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, tham gia công tác phòng, chống dịch, giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp tại địa phương, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Không chỉ tại huyện Krông Búk, người có uy tín thuộc các huyện, thị xã trong tỉnh đều phát huy tốt vai trò trong cộng đồng dân cư. Để phát huy vai trò người có uy tín, những năm qua, Đắk Lắk chú trọng thực hiện đầy đủ chính sách người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với công tác tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh sách bổ sung, thay thế, công nhận người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín; tổ chức cho người có uy tín tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh; cấp phát báo, tạp chí; thăm hỏi, tặng quà vào dịp lễ, Tết hoặc khi ốm đau, hoạn nạn.

Chị H'Yam Brông (bìa phải), người có uy tín buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).

Bên cạnh đó, UBND tỉnh và các địa phương rất quan tâm đến công tác biểu dương, khen thưởng, xét chọn, tổ chức cho người có uy tín tiêu biểu đi gặp mặt, báo cáo thành tích với lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Qua đó, người có uy tín đã có thêm kiến thức, kỹ năng, mở rộng hiểu biết để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nắm bắt tình hình tư tưởng trong nhân dân, phản ánh với cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, góp phần xóa dần những tập tục lạc hậu, phát huy bản sắc văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư...

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.