Trồng cây voi không ưa thích:
Giải pháp giải quyết tình trạng voi rừng phá hoại cây trồng
Những năm gần đây, xuất hiện tình trạng từng đàn voi rừng từ 3 - 7 con tìm đến nương rẫy ở các xã biên giới như Krông Na (huyện Buôn Đôn), Cư M’lan, Ea Bung, Ia R’vê, Ia Lốp (huyện Ea Súp) để kiếm thức ăn.
Chúng về phá rẫy và hoa màu, đe dọa sự an toàn của người dân. Theo một nghiên cứu của Trường Đại học Tây Nguyên, từ năm 2016 đến tháng 3/2020, toàn tỉnh có hơn 116 ha cây trồng, như: chuối, khoai, sắn, điều, cao su… bị thiệt hại nặng nề do voi gây ra. Bên cạnh đó, các chòi rẫy, nhà ở và các trang thiết bị, vật tư sản xuất và sinh hoạt của người dân nơi đây cũng bị voi rừng phá mỗi khi chúng kéo đến. Thực tế trên đặt ra bài toán phải giải quyết xung đột giữa voi và lợi ích kinh tế của bà con.
Để giải quyết tình trạng này, Trường Đại học Tây Nguyên đã triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu về “trồng cây voi không ưa thích”. Đề tài được triển khai từ tháng 1/2018 đến tháng 12/2019, do TS. Cao Thị Lý làm chủ nhiệm. Mục đích của đề tài là xác định cơ cấu cây trồng và kỹ thuật canh tác phù hợp nhằm giảm thiểu thiệt hại do voi gây ra ở khu vực có xung đột voi – người, trong vùng đệm Vườn Quốc gia Yok Đôn; từ đó cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho nhu cầu xác định các loài cây trồng nông lâm nghiệp và kỹ thuật canh tác thích hợp, góp phần ngăn ngừa và giảm nhẹ thiệt hại ở các địa phương có voi.
Theo TS. Cao Thị Lý, sau hơn 2 năm thực hiện với sự tham gia, tự nguyện trao đổi kiến thức sinh thái địa phương và sự hợp tác của người dân, đề tài đã chọn lựa được 4 mô hình trồng thử nghiệm trên đất rẫy của 11 hộ ở 3 khu vực có điều kiện rẫy khác nhau. Đồng thời, đã xác định và lập danh mục 22 loại cây trồng không hấp dẫn voi, gồm 5 loài cây lâm nghiệp, 7 cây nông nghiệp cho quả và hạt, 10 loài cây ngắn ngày. Trong số đó, các loài cây như: tếch, me Thái, bưởi da xanh, táo xanh, môn sọ, nghệ vàng, cà, ớt... thân thiện với điều kiện sinh thái và môi trường sống đối với người và voi, có thể nâng cao thu nhập, góp phần cải thiện sinh kế của người dân có đất rẫy được phép canh tác trong vùng voi sinh sống.
Tiến sĩ Cao Thị Lý (bìa phải) cùng cộng sự thăm vườn của các hộ thực hiện mô hình. |
Tại khu vườn rẫy của 6 hộ dân có đất trong khu vực voi thường xuyên xuất hiện ở xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) được chọn để triển khai đề tài, hiện nay các loại cây như me, bưởi da xanh, táo xanh xen với cây ngắn ngày đã cho thu hoạch. Năm 2020, ông Y Chuôn Bkrông (ở buôn Đrăng Phốk, xã Krông Na) đã thu được hơn 2 tạ hạt màu (quả cà ri) với giá bán cao gấp nhiều lần sắn, ngô bán cùng thời điểm. Ông Y Chuôn cho biết: “Từ khi gia đình chuyển đổi cây trồng đến nay, đàn voi có về nhưng chỉ phá cây sắn trồng xen canh, rồi tự di chuyển vào rừng sâu bởi quả cà ri có mùi hương voi không thích; lá cây me có vị chua cũng không hợp khẩu vị của voi; bưởi da xanh có nhiều tinh dầu rất khó chịu; táo xanh lại có gai nên voi không xâm phạm được”.
Có thể nói, mô hình trồng cây voi không ưa thích này đang giúp người dân yên tâm canh tác trên diện tích rẫy hiện có của mình, vừa bảo vệ rừng, bảo vệ voi rừng, vừa có thu nhập, lại tránh được xung đột giữa voi và người. Với đề tài này, TS. Cao Thị Lý đã được vinh danh là cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài động vật hoang dã giai đoạn 2010 – 2020. Đây là kết quả của những nỗ lực và sự cống hiến đến từ chính những người dân, các nhà nghiên cứu khoa học, các cấp ngành liên quan trong bảo tồn đa dạng sinh học.
Tuy nhiên, khi nói về sự phù hợp và khả năng phát triển của các mô hình thử nghiệm, TS. Cao Thị Lý chia sẻ: Mô hình này chưa thể áp dụng rộng rãi đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, chỉ phát triển đối với các hộ quan tâm, có khả năng đầu tư, chăm sóc vườn cây ở những khu vực rừng đảm bảo nguồn nước tưới trong mùa khô. Để mô hình này có thể nhân rộng, cần tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm thêm những loài cây phù hợp với thổ nhưỡng, không phải là loại thức ăn voi ưa thích và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần có giải pháp kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm cây trồng; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nhằm hỗ trợ nâng cao giá trị sản phẩm cây trồng từ các mô hình; đồng thời, có chính sách khuyến khích người dân tham gia canh tác, sản xuất theo hướng thân thiện với voi….
Xuân Hòa
Ý kiến bạn đọc