Xây dựng xã đạt vệ sinh toàn xã: Tăng cường truyền thông thay đổi hành vi
Tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về vệ sinh môi trường nông thôn, vệ sinh gia đình và vệ sinh cá nhân đã góp phần tăng tỷ lệ số hộ nông thôn trên địa bàn tỉnh sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng, hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng xã đạt vệ sinh toàn xã.
Cư Yang là một trong 10 xã của huyện Ea Kar được chọn triển khai Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới. Thời điểm triển khai chương trình năm 2019, toàn xã chỉ có 50% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, khoảng 60% số hộ có điểm rửa tay bằng xà phòng. Những thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh thấp, chỉ đạt hơn 40%. Việc vận động người dân làm nhà tiêu hợp vệ sinh gặp nhiều trở ngại do đời sống của các hộ còn khó khăn, nhiều hộ chỉ dựng tạm bằng ván, tôn sơ sài ngay trong vườn gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, môi trường. Tỷ lệ người dân bị nhiễm các bệnh về đường tiêu hóa cao...
Khu nhà công vụ của Trạm Y tế xã Cư Yang (huyện Ea Kar) được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn của Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả. |
Sau lễ phát động triển khai chương trình, UBND xã đã chỉ đạo trạm y tế và các đoàn thể, ban tự quản thôn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện vệ sinh môi trường bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, tư vấn trực tiếp nhằm thay đổi hành vi, tập quán sinh hoạt hằng ngày của người dân; khảo sát nhu cầu xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh của các hộ để có biện pháp hỗ trợ… Ông Lăng Văn Sơn, Trưởng Ban công tác Mặt trận, cộng tác viên y tế thôn 14 (xã Cư Yang) cho biết: "Toàn thôn có 105 hộ, gần 100% là người dân tộc thiểu số phía Bắc. Từ khi tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, đến nay nhận thức của người dân thay đổi rõ rệt. Những hộ có điều kiện xây mới, sửa chữa nhà cửa đều chú trọng xây dựng công trình vệ sinh khép kín. Những hộ khác cũng xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn gần khu vực nhà ở để tiện sinh hoạt".
UBND tỉnh đã có quyết định công nhận 33 xã thuộc 6 huyện gồm: Buôn Đôn, Cư Kuin, Cư M’gar, Ea Kar, Krông Ana, Krông Năng đạt “Vệ sinh toàn xã” thuộc Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả, vượt 3 xã so với mục tiêu đề ra. |
Triển khai chương trình, xã Cư Yang đã có 150 hộ được hỗ trợ làm nhà tiêu hợp vệ sinh với mức 50 USD/hộ. Trạm Y tế xã được đầu tư xây dựng nhà công vụ gồm 2 phòng có công trình vệ sinh khép kín. Ngoài ra, các hộ dân trên địa bàn xã đã tự đầu tư làm nhà vệ sinh và làm điểm rửa tay bằng xà phòng. Đến cuối năm 2019, toàn xã có trên 72% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, hơn 85% hộ có điểm rửa tay bằng xà phòng, xã được công nhận đạt “Vệ sinh toàn xã”.
Không chỉ tại xã Cư Yang, ban đầu, việc triển khai chương trình tại 33 xã trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do nhận thức của người dân về vấn đề vệ sinh nông thôn, vệ sinh hộ gia đình còn hạn chế; tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, điểm rửa tay bằng xà phòng đạt thấp, dưới 50%; việc huy động nguồn lực của địa phương và nhân dân tham gia thực hiện chương trình chưa đáp ứng nhu cầu; mức hỗ trợ chưa phù hợp với mặt bằng thu nhập của người dân...
Trạm Y tế xã Cư Yang (huyện Ea Kar) tổ chức tiêm chủng cho người dân |
Nhận định rõ những khó khăn, trở ngại trên, thời gian qua, Sở Y tế - đơn vị chủ trì thực hiện hợp phần vệ sinh nông thôn đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi và giám sát, đánh giá chương trình cải thiện hành vi rửa tay, chấm dứt phóng uế bừa bãi. Bên cạnh các hội nghị tập huấn cho cán bộ nòng cốt cấp tỉnh, huyện, cán bộ xã và cộng tác viên y tế thôn, buôn, ngành y tế đã tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức như: phối hợp tổ chức các sự kiện truyền thông, treo băng rôn, pa nô, phát sổ tay, cẩm nang, tờ rơi, tài liệu hướng dẫn, phối hợp xây dựng các chuyên mục tuyên truyền với các cơ quan truyền thông của tỉnh... Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay, ngành y tế đã triển khai xây dựng, sửa chữa 59/60 công trình vệ sinh trạm y tế xã; hỗ trợ làm nhà tiêu hợp vệ sinh cho 4.059 hộ tại 6 huyện thụ hưởng chương trình.
Bác sĩ Bế Thụy Thùy Nhiên, Phụ trách Khoa Sức khỏe môi trường - Y tế học đường - Bệnh nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), phụ trách hợp phần vệ sinh nông thôn cho biết, mặc dù chương trình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và thay đổi hành vi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nhưng về lâu dài vẫn cần tiếp tục duy trì, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tạo sự thay đổi bền vững.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc