Multimedia Đọc Báo in

Lớp học kết hợp - mô hình sáng tạo

08:43, 06/01/2022

“Lớp học kết hợp” là mô hình dạy học sáng tạo của Trường THCS Nguyễn Tất Thành (huyện Cư M'gar) trong mùa dịch COVID-19. Đây là kiểu lớp học kết hợp giữa lớp học truyền thống và lớp học hiện đại trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT).

Thầy Phan Hữu Xá, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tất Thành cho biết, từ ngày 10/12/2021, UBND huyện Cư M’gar cho học sinh trở lại học tập trực tiếp theo phân cấp cấp độ dịch tễ của ngành y tế.

Năm học 2021 - 2022, Trường THCS Nguyễn Tất Thành có 669 học sinh với 19 lớp. Các em cư trú tại 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Khi trở lại học tập trực tiếp, vẫn còn 45 học sinh ở hai xã Cư Suê và Cư M’gar thuộc vùng có cấp độ dịch chưa thể đến trường. Vì vậy, nhà trường quyết định gắn thêm camera, lắp micro và kết nối qua phần mềm MS Teams để giáo viên vừa dạy học trực tiếp trên lớp vừa tương tác, hướng dẫn học sinh học bài ở nhà.

“Sở dĩ chúng tôi hình thành ý tưởng và tổ chức mô hình lớp học kết hợp giữa truyền thống và hiện đại này vì nghĩ đến quyền lợi của học sinh. Các em đã ở nhà quá lâu rồi, học trực tuyến chỉ đáp ứng phần nào chứ không thể bằng học trực tiếp được trong khi lượng kiến thức, kỹ năng ở bậc THCS rất nhiều và rất quan trọng. Với mô hình lớp học kết hợp này, các thầy cô giáo sẽ phải làm việc vất vả hơn, nhưng vì học sinh thân yêu, các thầy cô đều nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của mình”, thầy Xá chia sẻ.

Thầy Nguyễn Châu Long trong một tiết dạy kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Còn thầy Nguyễn Châu Long, giáo viên môn Toán thì tâm sự: “Để chuẩn bị cho dạy một tiết học này, giáo viên phải dành công sức gấp 2 - 3 lần chuẩn bị so với một tiết dạy truyền thống, đó là đối với người thành thạo CNTT. Còn người chưa thành thạo thì có khi mất cả buổi mới chuẩn bị xong một tiết dạy”.

Quả thật, việc tổ chức mô hình lớp học kết hợp khiến giáo viên khá vất vả. Để phát huy tối đa tính hiệu quả trong tổ chức lớp học đặc biệt này, đòi hỏi giáo viên phải có sự đầu tư chu đáo về mọi mặt. Từ xây dựng kế hoạch dạy học, phối hợp với thiết bị dạy học hiện đại, dự kiến các tình huống “sư phạm đặc biệt” khi có sự xuất hiện của phụ huynh… Thầy Nguyễn Châu Long giải thích: “Trước đây, giáo viên đứng trên bục giảng nói, viết. Giờ thì bục giảng thành nơi trình diễn các thiết bị công nghệ để kết nối cho học sinh ở nhà cùng học. Chúng tôi phải lên mạng Internet chọn nhiều phần mềm khác nhau để tích hợp lại, lấy thế mạnh của phần mềm này bù cho phần mềm kia. Khi lên lớp, giáo viên vừa giảng bài, hướng dẫn trực tiếp cho 30 học sinh xong, lại quay sang màn hình máy tính để trao đổi với 10 em đang học ở nhà. Môn Toán có rất nhiều hình cần phải vẽ. Nhờ các phần mềm, chúng tôi đã biến những hình học khô khan trở nên cuốn hút bằng cách phối màu, tạo hiệu ứng 3D. Đặc biệt, ở phần ứng dụng vào thực tiễn, chúng tôi cho học sinh “đóng vai” người thợ xây, dùng kiến thức hình học được mô phỏng 3D để tính toán diện tích, thể tích, đưa ra bảng tính khối lượng vật liệu cần thiết để xây một ngôi nhà. Vì thế, không khí lớp học luôn sôi nổi, hào hứng, các em ở nhà cũng tích cực tham gia trả lời và hoàn thành bài học”.

Giờ học môn Văn kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến tại Trường THCS Nguyễn Tất Thành.

Trường THCS Nguyễn Tất Thành cũng đang lên kế hoạch tổ chức kiểm tra, đánh giá học kỳ I theo hướng linh hoạt kết hợp kiểm tra trực tiếp và online. Thầy Nguyễn Hữu Xá thông tin: “Các bộ môn sẽ xây dựng đề gồm cả hai phần: trắc nghiệm và tự luận. Sau đó tích hợp lên hệ thống chung. Học sinh trả lời trắc nghiệm trực tiếp trên phần mềm. Phần tự luận thì các em có thể viết trực tiếp trên phần mềm, hoặc có thể viết trên giấy rồi chụp hình lại cho thầy cô. Quan điểm là không tạo áp lực, lấy đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của các em làm trọng tâm”.

Thành Tâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.