Multimedia Đọc Báo in

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong đại dịch

08:15, 13/01/2022

Chung sức, đồng lòng chống dịch COVID-19, thời gian qua nhiều tập thể, cá nhân, trong đó các doanh nghiệp (DN) đóng vai trò tiên phong, nổi bật đã góp sức người, sức của để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.

Do ảnh hưởng của đại dịch, các DN trên địa bàn tỉnh phải đương đầu với rất nhiều khó khăn. Một số DN phải tạm ngưng sản xuất, vừa chi hỗ trợ giúp người lao động ổn định cuộc sống, vừa xây dựng phương án phục hồi sản xuất. Đối với DN đang tổ chức sản xuất, vừa phải đảm bảo việc làm cho người lao động, vừa phải chống dịch. Thế nhưng, các DN vẫn nỗ lực thực hiện nhiều nghĩa cử thể hiện trách nhiệm xã hội cao đẹp.

Một trong những DN đi đầu thể hiện trách nhiệm xã hội trong đại dịch có thể kể đến Công ty Điện lực Đắk Lắk (PC Đắk Lắk). Ngay từ khi dịch COVID-19 bắt đầu diễn biến phức tạp, công ty đã trích quỹ phúc lợi để tham gia đóng góp Quỹ Vắc xin phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh với số tiền 355 triệu đồng. Cán bộ, công nhân viên công ty đã tích cực ủng hộ, quyên góp hàng chục triệu đồng để mua tặng trang phục bảo hộ cá nhân cho các cơ sở y tế. Cùng với đó, PC Đắk Lắk đảm bảo cấp điện, chuẩn bị nguồn điện dự phòng và hỗ trợ các bệnh viện dã chiến phòng, chống dịch COVID-19 và các hoạt động liên quan với kinh phí hơn 110 triệu đồng.

Doanh nghiệp tặng vật tư y tế cho tuyến đầu phòng, chống dịch.

Ở Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình (buôn Triết, xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana), 100% xã viên đều tích cực tham gia đóng góp gạo, tiền để chia sẻ khó khăn với chính quyền và người dân trong đại dịch. Riêng cá nhân ông Nguyễn Văn Xanh, Giám đốc HTX, đã nhiều lần ủng hộ địa phương và thông qua các tổ chức từ thiện gửi tới đồng bào các vùng dịch gần 3 tấn gạo. Ông Xanh chia sẻ: “Biết bà con ở các vùng bị cách ly, phong tỏa rất khó khăn, lực lượng thường trực phòng, chống dịch vất vả, mình thấy trách nhiệm xã hội cần thể hiện nhất là những lúc thế này!”.

Cùng suy nghĩ như vậy, ông Võ Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty Cổ phần Dak Lac Coffee ở TP. Buôn Ma Thuột trở thành mạnh thường quân cho nhiều hoạt động từ thiện, chung tay phòng, chống dịch. Ông Nghĩa cho biết, tích cực đồng hành cùng chính quyền và người dân phòng dịch, công ty vẫn nỗ lực đảm bảo kinh doanh phát triển, ổn định việc làm, thu nhập cho công nhân.

Trong khi đó, thông qua Câu lạc bộ (CLB) Thiện Tâm 47 ở huyện Krông Ana, hơn 600 cá nhân trong tỉnh, trong đó có gần 100 doanh nhân đã tự nguyện quyên góp ủng hộ tiền mặt và vật chất trị giá hàng tỷ đồng để tiếp sức cho công tác phòng, chống dịch. Anh Thân Văn Bình, Chủ nhiệm CLB cho biết: Chỉ trong 3 tháng gần đây, CLB đã vận động và tổ chức được hơn 100 “Chuyến xe yêu thương”, chở hơn 700 tấn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân khó khăn tại các địa phương trong tỉnh. Riêng doanh nhân Trương Ngọc Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị Điện Quang ở TP. Buôn Ma Thuột đã hỗ trợ phương tiện để thực hiện 100 “Chuyến xe yêu thương”, ngoài ra còn tích cực đóng góp tiền và các nhu yếu phẩm trị giá hàng chục triệu đồng…

Các tổ chức, cá nhân chung tay cùng chính quyền xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) chống dịch. 

Trong năm 2021, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cũng đã vận động hội viên đóng góp hơn 700 triệu đồng ủng hộ Quỹ Phòng chống dịch COVID-19 và thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trách nhiệm xã hội của DN còn thể hiện ở chỗ tuy ít nhiều chịu ảnh hưởng của đại dịch nhưng các DN đều nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép", vừa phát triển sản xuất, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, chăm lo đời sống của người lao động. Như Công ty TNHH Cà phê 15 (Quân khu 5, Bộ Quốc phòng) có trụ sở tại xã Cư Dliê M'nông (huyện Cư M’gar), nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, công ty đã duy trì sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đảm bảo thu nhập đời sống cho công nhân, người lao động.

Chung sức, đồng lòng chống dịch COVID-19, thời gian qua nhiều tập thể, cá nhân, trong đó các doanh nghiệp (DN) đóng vai trò tiên phong, nổi bật đã góp sức người, sức của để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.

Thanh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.