Kiên trì với mô hình voi sinh sản tự nhiên
Trước thực trạng đàn voi nhà ở Đắk Lắk đang suy giảm nghiêm trọng, trong khi việc săn bắt và thuần dưỡng voi rừng để bổ sung và tăng đàn (như ngày xưa) bị luật pháp tuyệt đối cấm, thì mô hình kích thích voi sinh sản tự nhiên được coi là giải pháp khả dĩ nhằm giải quyết vấn đề nan giải này.
Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk, từ năm 2009 đến năm 2021, có 22 con voi nhà bị chết vì những lý do khác nhau, khiến đàn voi nhà ở đây chỉ còn lại 37 cá thể. Cũng trong giai đoạn này, chưa có con voi nào được sinh sản thành công trong môi trường nuôi nhốt do chủ sở hữu voi duy trì lâu nay.
Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk - ThS. Nguyễn Công Chung cho hay: Trước thực tế đáng quan ngại đó, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 2362/QĐ - UBND ngày 12/11/2013 phê duyệt dự án khẩn cấp Bảo tồn voi Đắk Lắk đến 2020, đồng thời giao nhiệm vụ thực hiện biện pháp voi nhà sinh sản tự nhiên cho Trung tâm đảm trách. Thực hiện nhiệm vụ này, Trung tâm đã triển khai thu thập tất cả các thông tin có liên quan đến thực trạng voi nhà không sinh sản (độ tuổi, giới tính, khả năng tự bắt cặp giao phối, thời gian voi làm việc, bản năng và tập quán sinh sản của voi).
Theo đó, xây dựng chính sách hỗ trợ cho voi nhà sinh sản, khuyến khích các chủ voi tham gia thực hiện Nghị quyết 78/2012 - NQ ngày 21/12/2012 của HĐND tỉnh Đắk Lắk. Tăng cường mối liên kết hợp tác với các tổ chức bảo tồn động vật trên thế giới để tiếp nhận khoa học kỹ thuật thúc đẩy quá trình sinh sản tự nhiên của voi nhà.
Một cá thể voi cái ở huyện Lắk được nuôi dưỡng, chăm sóc đặc biệt để phục vụ mục đích sinh sản tự nhiên. Ảnh: Đ. Hạnh |
Mặt khác, Trung tâm đã thường xuyên tuyên truyền đến các chủ voi hạn chế cho voi phục vụ du lịch, tăng cường thời gian cho các cặp voi trong độ tuổi sinh sản bắt cặp giao phối, sinh sản theo hướng tự nhiên, đồng thời phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ thực hiện đề tài “Nghiên cứu khả năng sinh sản trên voi thuần dưỡng tại Đắk Lắk” theo Quyết định số 2362/QĐ-UBND ngày 11/8/2016 của UBND tỉnh với mục đích khảo sát, đánh giá có hệ thống, khoa học về khả năng sinh sản của voi cái đang được nuôi nhốt trên địa bàn hai huyện Buôn Đôn và Lắk bằng phương pháp phân tích các chỉ số về hóc môn estrogen, LH, progesteron của voi cái.
“Tình hình sinh sản tự nhiên của voi Đắk Lắk khá khó khăn, vì voi không nằm trong độ tuổi sinh sản tốt nhất (từ 15 - 30 tuổi). Đến nay, hầu hết voi nhà ở đây đã trên 35 tuổi nên rất khó thành công". TS. Willem Schaftenaar |
Kết quả sau gần 2 năm (2017 - 2018) thực hiện với sự giúp đỡ của các chuyên gia về voi đến từ Tổ chức Động vật châu Á, Tổ chức Chăm sóc voi quốc tế, Tổ chức Phúc lợi động vật hoang dã, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới, Vườn thú North Carolina (Mỹ), Vườn thú Rotterdam (Hà Lan) và Trung tâm Bảo tồn voi Thái Lan… đã xác định được 8 cá thể voi cái hiện nay còn khả năng sinh sản. Qua quá trình bắt cặp giao phối tự nhiên, bước đầu đã có 3 voi mang thai, nhưng đến lúc sinh thì voi con bị chết ngạt trong đường sinh dục, do voi mẹ lớn tuổi và mới sinh sản lần đầu.
TS. Willem Schaftenaar, chuyên gia voi người Hà Lan khẳng định: Ở Đắk Lắk hiện có 7 con voi còn có thể mang thai, nếu được chăm sóc tốt thì có thể sinh nở; và đến năm 2045 số voi nhà có thể tăng thêm hàng chục con nữa. Song, điều này đòi hỏi chính quyền, chủ voi, các tổ chức quốc tế quan tâm và hành động khẩn cấp hơn nữa, ngay từ lúc này!
Chuyên viên Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk kiểm tra sức khỏe sinh sản cho voi . Ảnh: V.Tiếp |
Kiên trì theo đuổi mô hình sinh sản tự nhiên nói trên cho đàn voi nhà Đắk Lắk càng đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều phía: Nhà nước, người dân và mối liên kết hợp tác quốc tế trên các mặt hỗ trợ vật chất, trang thiết bị khoa học - kỹ thuật tiên tiến mới mong có hy vọng. Theo ông Chung cũng như một số chuyên gia về voi đã đến làm việc ở Đắk Lắk thì hy vọng ấy là có cơ sở. Bởi qua nghiên cứu, khảo sát cho thấy trên 8 cặp cá thể voi (gồm voi cái Bun Kon, H’Túc, Ta Nuol, H’Taul, Mong Sen, Ban Nang, Bắk On, Bắk Khăm và voi đực là Thông Ngân, P Lang, Y Ghen, Khăm Gụt, Khăm Sen, Thông Răng) đều có chu kỳ động dục để giao phối sinh sản.
Theo đó, một số giải pháp khôi phục khả năng sinh sản cho đàn voi nhà ở đây đã được đề xuất: Giải pháp về kỹ thuật là tập trung số lượng voi còn khả năng sinh sản về Trung tâm để quản lý và giám sát hormon sinh sản; Giải pháp về nguồn giống là bổ sung nguồn giống từ voi hoang dã hoặc thông qua hợp tác quốc tế; Giải pháp về chính sách là mua hoặc thuê cá thể voi cái còn khả năng sinh sản từ nhiều nơi đưa về Trung tâm Bảo tồn Voi để nuôi sinh sản.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc