Multimedia Đọc Báo in

Những trái tim hồng

08:50, 11/02/2022

Thời điểm trước đây, khi số ca F0 của phường Bình Tân (thị xã Buôn Hồ) tăng lên 3 con số, toàn địa bàn phải cách ly y tế, nhiều tổ dân phố trong tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Cả tuyến đường gồm 24 hộ thuộc tổ dân phố 1 nơi gia đình anh Lê Nguyễn Nguyên, Trưởng Nhóm thiện nguyện Vinh Quang sinh sống chỉ còn 3 hộ chưa có ca F0 nhưng đều thuộc diện tự cách ly nghiêm ngặt tại nhà. Một mình một phòng riêng để cách ly, tưởng được nghỉ ngơi, an dưỡng nhưng anh Nguyên còn bận rộn gấp mấy lần bình thường.

Hai điện thoại, một máy tính của anh Nguyên hoạt động hết công suất. Mỗi ngày anh đều làm việc đến 2 - 3 giờ sáng. Vừa viết bài đưa lên Zalo, Facebook nhằm kết nối những trái tim thiện nguyện hướng về người dân vùng dịch, vừa lên danh sách các thứ cần mua, từng đầu công việc, nơi cần hỗ trợ. Hoạt động trên không gian mạng đòi hỏi mọi thứ phải thật rõ ràng, vì vậy, anh Nguyên ghi chép cẩn thận từng nguồn tiền, hàng hóa do các mạnh thường quân trong và ngoài nước hỗ trợ, những khoản đã chi tiêu, những món quà đã gửi trao. Đôi khi người cho và nhận đều không biết rõ mặt nhau nhưng chính sự tận tâm, cách làm minh bạch, hết lòng vì người dân vùng dịch của các thành viên trong nhóm đã kết nối được gần 300 triệu đồng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, chăm lo cho người dân, tặng quà các chốt kiểm soát, lực lượng tuyến đầu.

Nhóm thiện nguyện Vinh Quang thăm hỏi tình hình sức khỏe của gia đình ông Nguyễn Xuân Dũng (tổ dân phố 3, phường Bình Tân, thị xã Buôn Hồ) sau khi điều trị COVID-19.

Bản thân không thể đi ra ngoài nên anh Nguyên đã kêu gọi các thành viên trong nhóm thành lập một đội xung kích chống dịch. Ba thành viên của đội mượn một căn nhà của người quen làm nơi “đóng chốt”, tạm thời sống xa gia đình. Đơn hàng, đơn thuốc được anh Nguyên đặt qua mạng, giao về chốt. Các thành viên chia nhau phân loại, đóng gói, chở đi trao tặng cho bệnh nhân trước khi họ đi điều trị ở tuyến trên. Bận rộn là thế nhưng các thành viên còn chung sức cùng lực lượng chức năng phun thuốc sát khuẩn tại những khu vực, gia đình có người mắc COVID-19. Người ở hậu phương phối hợp nhịp nhàng với đội ngoài tiền tuyến đã bắc những “nhịp cầu” đưa lương thực, thực phẩm, túi thuốc an sinh đến tận nơi cần.

Ông Nguyễn Xuân Dũng ở tổ dân phố 3, phường Bình Tân bày tỏ: “Tưởng dịch ở tận đâu, đùng một cái ập đến ngay nhà mình. Cả vợ chồng và con trai tôi đều được gọi đi test nhanh, chưa kịp biết kết quả thì có mấy chú đến đưa cho mỗi người một bịch thuốc, trong đó có tờ giấy dặn dò kỹ lưỡng cách uống hạ sốt, giảm ho, tăng cường đề kháng... Món quà kịp thời, đầy ý nghĩa ấy là “liều thuốc tinh thần” vô giá đối với gia đình tôi lúc đó”.

Công việc trong thời gian cao điểm dịch bệnh rất nhiều, địa bàn rộng, các thành viên hoạt động hết công suất từ sáng sớm đến tận đêm. Ai cũng phải khoác bộ đồ phòng dịch kín mít suốt cả ngày. Những món ăn chỉ được nấu sơ sài hoặc húp vội bát mì tôm nhưng không một lời than thở. Tạm xa vợ và hai con nhỏ, anh Nguyễn Văn Thái đã xung kích cùng đội trong cuộc chiến này. Nhớ lại quãng thời gian “căng như dây đàn” ấy, anh Thái chia sẻ: "Mỗi khi tạt ngang qua nhà treo thức ăn ngoài cổng, con trai nhỏ hỏi “Sao bố không về nhà”, mình chỉ biết cười và động viên con “Đuổi xong con cô vít rồi bố về nhé”. Vất vả, lo lắng đan xen nhưng được đồng hành cùng chính quyền trong công tác phòng, chống dịch ai cũng cảm thấy vui".

Thành viên Nhóm thiện nguyện Vinh Quang trao tiền hỗ trợ cho gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.

Tận dụng công nghệ 4.0, anh Nguyên còn thành lập các nhóm Zalo của các F0, F1 trên địa bàn rồi kết nối với bác sĩ, dược sĩ, chuyên gia, mời họ tham gia tư vấn, hỗ trợ cho các đối tượng trong quá trình điều trị, cách ly tập trung. Đồng thời, anh cũng tự tìm hiểu kiến thức phòng, chống dịch COVID-19 trên mạng Internet để cung cấp cho người dân. Khi dịch bệnh bớt căng thẳng, các thành viên khác của nhóm lại cùng thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa hỗ trợ người dân gặp khó khăn, neo đơn, bệnh tật.

“Hoạt động ngay tại tâm dịch, trong suốt thời gian dịch bệnh phức tạp nhất đã cho thấy sự thích ứng nhanh nhạy, cộng đồng trách nhiệm và tấm lòng đáng trân quý của các thành viên trong Nhóm thiện nguyện Vinh Quang. Hiện nay, nhóm vẫn tiếp tục những dự án, hoạt động xã hội để trợ giúp cho những hoàn cảnh éo le, bệnh tật” - ông Thái Hữu Quảng, Cựu Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ  Vinh Quang (thị xã Buôn Hồ).

 

Những món quà, túi thuốc được gửi trao trong tâm dịch của Nhóm thiện nguyện Vinh Quang đã sưởi ấm và thắp lên hy vọng cho bao người. Dịch bệnh đã để lại nhiều khó khăn, mất mát nhưng tình người và sự sẻ chia đã góp phần giúp người dân xứ đạo vượt qua thời điểm khó khăn nhất.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.