Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn cựu chiến binh

08:45, 11/02/2022

Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ trong thời bình, cán bộ, hội viên cựu chiến binh (CCB) hôm nay đã ra sức khắc phục khó khăn, để lại nhiều dấu ấn trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế.

Giúp nhau giảm nghèo

Đặt mục tiêu xóa 100% hộ CCB nghèo, thời gian qua, Hội CCB TP. Buôn Ma Thuột đã tìm hiểu từng hoàn cảnh hội viên để có giải pháp hỗ trợ thiết thực nhất. Ông Nguyễn Xuân Thụ, Chủ tịch Hội CCB thành phố chia sẻ: Với hội viên thiếu đất ở, đất sản xuất, các cấp Hội đã vận động gia đình nội ngoại san sẻ, hỗ trợ thêm. Với hội viên thiếu sinh kế, không có việc làm, các cấp đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Đồng đội cho vay vốn để phát triển kinh tế. Hội viên không có nhà ở, Hội đã phối hợp, giúp đỡ hội viên xây dựng nhà Nghĩa tình đồng đội để ổn định cuộc sống. Bằng cách làm cụ thể như vậy, từ 17 hộ nghèo năm 2017, đến nay, Hội CCB thành phố đã không còn hộ nghèo.

Cán bộ Hội Cựu chiến binh TP. Buôn Ma Thuột đến thăm, động viên hội viên phát triển kinh tế.

Tại xã đặc biệt khó khăn Cư Elang (huyện Ea Kar), nhằm giảm số lượng hội viên nghèo còn quá cao, từ năm 2016 đến nay, Hội CCB xã đã tích cực huy động mọi nguồn lực, tranh thủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để đẩy mạnh phát triển kinh tế. Hội đã phối hợp tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật giúp hội viên phát triển cây trồng, chăn nuôi; xây dựng quỹ nội bộ đạt 398 triệu đồng, hằng năm giải quyết cho 20 lượt hội viên khó khăn vay vốn phát triển kinh tế. Trong công tác xóa nhà tạm bợ, Hội đã tham mưu, đề xuất với chính quyền địa phương, vận động, kêu gọi các cá nhân, tập thể đóng góp công của, qua đó xóa được 16 nhà tạm bợ. Với quyết tâm cao, hiện nay toàn Hội còn 28 hộ nghèo, giảm 47 hộ so với năm 2016.

 

Năm 2021, tỷ lệ hộ CCB nghèo trong toàn tỉnh còn 4,1%, giảm 1,99% so với năm 2016; có 36 Hội cơ sở và 4 huyện, thị, thành hội cơ bản không còn hộ nghèo; số hộ khá và giàu đạt 40,3%.

Theo đánh giá của Hội CCB tỉnh, những năm gần đây, phong trào giúp nhau giảm nghèo trong toàn Hội đã thay đổi nhận thức từ giảm nghèo là trọng tâm thành giảm nghèo nhanh, bền vững, phấn đấu trở thành hộ khá. Từ chỗ coi trọng giảm nghèo về đời sống vật chất, nay công giác giảm nghèo được tiếp cận theo hướng đa chiều và toàn diện hơn. Các cấp Hội đã chú trọng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, phương tiện nghe nhìn, đi lại, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường; hỗ trợ con em học bổng trong học tập, hướng dẫn dạy nghề, học nghề phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình CCB. Nhận thức đúng, cùng với triển khai nhiều giải pháp phù hợp, từ năm 2016 đến nay, hoạt động giảm nghèo của toàn Hội CCB đã đạt kết quả tích cực.

Làm kinh tế giỏi

Thời gian qua, rất nhiều tập thể, hội viên CCB là điển hình tiên tiến trên lĩnh vực làm kinh tế giỏi. Điểm chung ở họ là tinh thần vượt khó vươn lên, ý chí tự lực tự cường, không ngừng nỗ lực, phấn đấu.

Năm 1988, gia đình CCB Phan Trọng Kim rời quê hương Nghệ An vào xã Ea Lai, huyện M’Drắk sinh sống. Lập nghiệp trên đất mới, ông luôn suy nghĩ trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng, bảo đảm kinh tế gia đình. Tìm tòi, học hỏi cách chuyển đổi giống cây trồng và vật nuôi, ban đầu gia đình ông áp dụng khoa học kỹ thuật cho 2 ha hồ tiêu đang thu hoạch. Thấy lợi nhuận và năng suất tăng, ông mạnh dạn đầu tư trồng thêm 1 ha nhãn hương chi; tiếp tục xây dựng hệ thống chuồng trại để nuôi 40 con dê và 10 con bò sinh sản, kết hợp đào ao thả cá, lấy nước tưới cho cây trồng. Đến nay, với mô hình vườn, ao, chuồng có diện tích khoảng 12 ha, gia đình ông có thu nhập bình quân trên 700 triệu đồng/năm, đồng thời tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho khoảng 20 lao động.

Chủ tịch Hội CCB tỉnh Rơ Lưk Bông trao Bằng khen của Trung ương Hội CCB cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào "CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi".

Đẩy mạnh phát triển quy mô các loại hình kinh tế, đến nay, toàn Hội có 73 doanh nghiệp, 22 hợp tác xã, 11 tổ hợp tác và 1.845 trang trại, gia trại do CCB làm chủ. Nổi bật trong đó phải kể đến như trường hợp ông Thân Ngọc Duyến, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Ea Kuăng (huyện Krông Pắc), từ việc buôn bán phế liệu, sản xuất lưới B40 và tôn, gia đình ông đạt doanh thu hằng năm khoảng 6 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động. Hay như mô hình trang trại chăn nuôi, đúc trụ bê tông của CCB Hồ Đăng Xuân (xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) đã mang về lợi nhuận bình quân cho gia đình trên 350 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Chủ tịch Hội CCB tỉnh Rơ Lưk Bông cho hay, không chỉ khẳng định sức mạnh trong phát triển kinh tế, thị trường kinh doanh, CCB còn tích cực đóng góp Quỹ nội bộ; hỗ trợ đồng đội cây, con giống, vay vốn không tính lãi; tham gia các hoạt động thiện nguyện và tạo công ăn việc làm cho nhiều con em CCB. Sự nỗ lực không ngừng ấy của CCB đã góp phần tăng cường sự đoàn kết, gắn bó đồng đội; phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xây dựng nông thôn mới.

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.