Multimedia Đọc Báo in

Hạnh phúc giản đơn

08:23, 20/03/2022

Bắt đầu từ một đám cưới “nếp sống mới” giản dị, ấm cúng, nhiều cặp vợ chồng đã viết nên những câu chuyện hạnh phúc trọn vẹn và đầy ắp nghĩa tình.

Dù đã hơn ba mươi năm trôi qua, nhưng vợ chồng anh Nguyễn Sỹ và chị Nguyễn Thị Dung (thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông) vẫn xúc động khi mở tấm ảnh cưới ố màu thời gian. Năm ấy, anh Sỹ đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Đại đội Công binh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh thì được hai bên gia đình gọi về cưới vợ. Hành trang về cưới vợ của anh Sỹ chỉ có bộ quân phục lính công binh, đến đôi giày da cũng là do một chỉ huy cho mượn để anh dùng trong lễ cưới của mình.

Anh Nguyễn Sỹ và chị Nguyễn Thị Dung cùng xem lại những bức ảnh kỷ niệm ngày về chung một nhà.

Quen nhau đã lâu và thấu hiểu hoàn cảnh gia đình đôi bên nên đàng gái cũng không đòi hỏi nhiều. Lễ vật được anh Sỹ buộc gọn trên chiếc xe đạp cũ chỉ có vài cân nếp, hai chai rượu gạo, hai túi kẹo chanh và một chục trứng vịt. Nhà gái thì thết đãi một mâm cơm ấm cúng để đôi trẻ ra mắt hai gia đình và thuê thợ chụp lại 3 tấm ảnh màu kỷ niệm ngày thành đôi. Sau lễ cưới, anh Sỹ phải trở lại đơn vị ngay rồi tham gia xây dựng công trình quân sự suốt nhiều tháng liền. Chị Dung chỉ biết gói nhớ thương ở trong lòng, làm trọn đạo dâu con để chồng yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Hơn ba mươi năm chung sống, anh chị đã vượt qua rất nhiều khó khăn bằng sự chính sự thấu hiểu, yêu thương. Tài sản lớn nhất của anh chị là bốn người con trưởng thành, có ý chí cầu tiến và luôn hiếu thảo, hòa thuận. Anh Sỹ tâm sự, có lẽ cũng nhờ đám cưới giản đơn ngày ấy khiến anh trân trọng người bạn đời và hạnh phúc mình đang nắm giữ hơn. Đó là nguồn sức mạnh vô hình để anh làm tròn vai trò trụ cột gia đình, làm người cha mẫu mực cho con cái noi theo.

Với anh Lê Thanh Long và chị Hoàng Thị Vy (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột), đám cưới “nếp sống mới” là một dấu ấn không thể phai mờ. Năm 2000, anh Long đang là Phó Bí thư Đoàn xã Hòa Thắng. Bố của anh là đảng viên, giáo chức về hưu chỉ có nguyện vọng rằng con trai trưởng của mình tổ chức đám cưới “nếp sống mới” vừa trang trọng, ý nghĩa vừa tránh phô trương, lãng phí.

Ý tưởng của nhà trai được gia đình chị Vy hết sức ủng hộ. Sau lễ gia tiên với sự chúc phúc từ hai họ, anh chị đã ra mắt anh em, bạn bè bằng bữa tiệc trà và bánh kẹo. Một bữa tiệc không rượu bia, không thuốc lá, chỉ có những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” cùng những tràng pháo tay rộn rã khiến niềm vui, niềm hạnh phúc của anh chị như tăng thêm bội phần. Trong buổi lễ, đại diện chính quyền địa phương đã trao giấy đăng ký kết hôn cho đôi vợ chồng trẻ. Anh Long, chị Vy cũng tự tay trồng trong khuôn viên trụ sở UBND xã Hòa Thắng (cũ) hai cây bàng ghi dấu kỷ niệm ngày về chung một nhà.

Anh Lê Thanh Long và chị Hoàng Thị Vy trồng cây kỷ niệm trong lễ cưới của mình hơn hai mươi năm trước. Ảnh: NVCC

Anh Long chia sẻ, mặc dù tổ chức đám cưới giản đơn, tiết kiệm nhưng vợ chồng anh nhận được rất nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của gia đình, bạn bè, cấp ủy, chính quyền địa phương. Tình cảm ấy của mọi người là nguồn động viên giúp anh chị vượt qua những thử thách trong cuộc sống. Sau nhiều năm nỗ lực, vợ chồng anh Long đã xây dựng cơ ngơi khá đủ đầy cùng ba người con ngoan ngoãn, học giỏi. Với anh chị, hạnh phúc được vun trồng từng ngày bằng chính tình yêu thương, sự tôn trọng và sẻ chia của mỗi thành viên trong gia đình dành cho nhau.

Hơn hai năm qua, đã có nhiều bạn trẻ được gia đình đôi bên tác hợp bằng những đám cưới ấm cúng, gọn nhẹ với số lượng người tham dự hạn chế, đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Những đám cưới tuy giản dị, mộc mạc nhưng không vì thế mà mất đi sự trang trọng và ý nghĩa tốt đẹp của ngày thành đôi, tô đậm thêm tình nghĩa của hai bên gia đình. Đó cũng chính là tiền đề tốt đẹp để các đôi vợ chồng trẻ yêu thương, trân trọng nhau hơn, cùng nỗ lực vun đắp cho tổ ấm của mình mỗi ngày thêm phần hạnh phúc.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.