Multimedia Đọc Báo in

Hãy chú trọng việc dạy bơi cho con trẻ

08:17, 31/03/2022

Trung bình mỗi năm cả nước ta có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước, tỷ lệ cao gấp 3 lần so với các nước thu nhập cao. Cứ đến dịp hè, nguy cơ trẻ em đuối nước lại càng cao bởi đây là thời điểm học sinh được nghỉ học, tham gia nhiều hoạt động cộng đồng.

Chỉ trong thời gian ngắn gần đây, cả nước liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em đuối nước hết sức thương tâm. Mới đây, ngay tại Đắk Lắk cũng đã xảy ra một số vụ đuối nước thương tâm. Thật đau xót trước vụ việc cả ba chị em ruột ở huyện Krông Búk đều chết đuối khi tắm ở hồ nước gần nhà; hay vụ đuối nước xảy ra tại thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp) khiến hai bé gái 11 tuổi tử vong.

Theo thống kê, tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em xảy ra tại cộng đồng là 76,6%, tại gia đình 22,4% và 1% số vụ xảy ra tại các trường học. Điều đó có nghĩa, môi trường ở các trường học là an toàn và vai trò của gia đình, cộng đồng trong việc giám sát, phòng ngừa đuối nước cho trẻ em vẫn là chủ yếu.

Các em học sinh Trường Tiểu học, THCS Nguyễn Khuyến (TP. Buôn Ma Thuột) đang học bơi. Ảnh: Hồ Lam
Các em học sinh Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến (TP. Buôn Ma Thuột) đang học bơi. Ảnh: Hồ Lam

Trẻ em ở phố thường được gia đình quản lý chặt chẽ hơn. Mặt tích cực là tỷ lệ đuối nước rất thấp. Ngược lại, số biết bơi rất ít. Học phí các khóa dạy bơi cũng không thấp nên đâu phải phụ huynh nào cũng có thể cho con học bơi. Các em còn phải học thêm rất nhiều môn. Có cảm giác các bố mẹ thường ưu tiên việc học văn hóa, hay âm nhạc, hội họa, bóng đá hơn là bơi lội và các kỹ năng khác. Chương trình học bơi ở trường thường ngắn, còn nặng tính hình thức, chưa chú trọng hiệu quả nên không “đến đầu, đến đũa”. Thành thử, muốn con biết bơi thì cha mẹ phải đầu tư cho con học ở các trung tâm thể thao, thuê thầy cô dạy hoặc trực tiếp dạy cho con.

Việt Nam có hệ thống sông ngòi chằng chịt, bãi biển trải dài nên bơi là kỹ năng cần thiết nhất để trẻ phòng tránh đuối nước. Vậy mà, hầu hết hoạt động dạy bơi cho học sinh chưa thật sự hiệu quả. Việc trang bị cho các em những kỹ năng ứng phó khi gặp sự cố, vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em không chỉ của riêng ai, mà nó là trách nhiệm của toàn xã hội, cần được triển khai với các giải pháp đồng bộ. Đã đến lúc cần tăng cường công tác quản lý, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, có giao ước cam kết trong trường học, địa bàn dân cư và gia đình về việc thực hiện phòng, chống tai nạn đuối nước; đoàn thanh niên các đơn vị, địa phương chủ động tổ chức các lớp sinh hoạt hè, thu hút các em tham gia.

Công tác tuyên truyền cần được thúc đẩy mạnh hơn. Việc nhắc nhở, giáo dục học sinh nên đưa ra các dẫn chứng, kể những câu chuyện, những vụ việc để các em rút kinh nghiệm cho bản thân mình. Cuối cùng, xin nhắc lại, vai trò của phụ huynh vẫn là quan trọng nhất.

Hữu Quý


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.