Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả mô hình “Ngôi nhà thu gom phế liệu”

08:27, 07/03/2022

Mô hình “Ngôi nhà thu gom phế liệu” là hoạt động nổi bật, mang lại hiệu quả tích cực trong bảo vệ môi trường của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Cư M’gar trong những năm qua.

Hơn một năm nay, thay vì vứt bỏ hoặc mang bán những phế liệu như: chai nhựa, vỏ lon bia, bìa carton, giấy vụn… thì các cán bộ, hội viên phụ nữ ở thị trấn Quảng Phú đã gom lại “cất”, đợi cuối tháng mang đến “Ngôi nhà thu gom phế liệu” của Hội LHPN thị trấn để bán tạo nguồn quỹ hỗ trợ, giúp đỡ cho học sinh và phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đến nay, đã có hơn 3 tấn phế liệu được các chị em thu gom, gây được nguồn quỹ hơn 6 triệu đồng...

Bà Phạm Thị Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Quảng Phú chia sẻ: “Nhận thức được ý nghĩa của hoạt động này, các chị em hưởng ứng rất nhiệt tình, không ai bảo ai, mọi người đều tự giác thu gom phế liệu. Nhiều chị em khi đi thể dục buổi sáng, đi chợ cũng tranh thủ lượm những chai lọ bị vứt bừa bãi trên đường… để gom lại. Đến ngày 26 hằng tháng chúng tôi thu gom về một mối, bình quân mỗi đợt thu được từ 200 – 500 kg phế liệu các loại”.

Phụ nữ thị trấn Quảng Phú thu gom phế liệu có thể tái chế đóng góp vào mô hình “Ngôi nhà thu gom phế liệu”.

Sau gần 2 năm triển khai, mô hình “Ngôi nhà thu gom phế liệu” ở xã Cư Dliê M’nông đã mang lại hiệu quả rõ rệt khi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các hội viên, tổng số tiền bán phế liệu thu được hơn 10 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, Hội đã trao tặng 5 thẻ bảo hiểm y tế cho phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tặng nhiều suất quà cho học sinh nghèo với tổng số tiền hơn 8 triệu đồng…

Mô hình “Ngôi nhà thu gom phế liệu” được Hội LHPN huyện Cư M’gar triển khai từ tháng 6/2020 nhằm thu gom phế liệu, góp phần bảo vệ môi trường và gây quỹ giúp hội viên, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Tính đến nay, có 10/17 xã, thị trấn đã xây dựng được mô hình này, gồm: Xã Cư Dliê M’nông, Ea Tul, Ea H’đing, Ea Kuêh, Ea Kpam, Cuôr Đăng, Quảng Hiệp, Cư Suê, thị trấn Quảng Phú và Ea Pốk, thu hút hơn 1.500 hội viên, phụ nữ tham gia. Thậm chí có những chị không phải là hội viên cũng tích cực tham gia thu gom, đóng góp phế liệu. Tùy vào tình hình cụ thể mỗi tuần hoặc mỗi tháng, khi “Ngôi nhà thu gom phế liệu” đầy phế liệu, các cơ sở Hội sẽ tổ chức phân loại mang đi bán, gây quỹ hỗ trợ cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn…

Trong 2 năm qua, Hội LHPN huyện Cư M’gar đã huy động được hơn 30 triệu đồng từ việc bán các phế liệu có thể tái chế. Từ số tiền thu được, các cơ sở Hội đã trao tặng 6 thẻ bảo hiểm y tế và hàng chục suất quà cho hội viên phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó ưu tiên cho các gia đình bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19… Bà Lê Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cư M’gar cho biết: “Nhìn chung, các mô hình đều hoạt động khá hiệu quả, thu hút đông đảo chị em phụ nữ tham gia, có những mô hình thu hút được hơn 200 thành viên. Hội LHPN huyện đang tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình “Thu gom phế liệu” đến các cơ sở hội, phấn đấu mỗi đơn vị sẽ xây dựng được ít nhất một mô hình”.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.