Multimedia Đọc Báo in

Nghĩ về vai trò giới, nhu cầu giới, khoảng cách giới và bình đẳng giới

08:42, 06/03/2022

Trong nhiều năm qua, đã có nhiều phong trào được tổ chức ở những thời điểm khác nhau nhằm làm thay đổi tư duy và quan niệm của xã hội về vai trò của phụ nữ trong mối tương quan với nam giới.

Hiện nay, khái niệm bình đẳng giới đã trở nên phổ biến cho dù vẫn còn một số những tranh luận xã hội về mục tiêu cho các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới. Phần nhiều các cuộc tranh luận xuất phát từ việc không cùng lối tiếp cận hoặc không thống nhất với nhau trong cách hiểu. Trong khi đó, vấn đề bình đẳng giới thường cần được phân tích trên nền tảng hiểu biết về một số khái niệm có liên quan như vai trò giới, nhu cầu giới hay khoảng cách giới.

Vai trò giới là tập hợp các hành vi ứng xử mà xã hội mong đợi ở nam và nữ liên quan đến những đặc điểm giới tính và năng lực mà xã hội coi là thuộc về nam giới hoặc thuộc về phụ nữ (trẻ em trai hoặc trẻ em gái) trong một xã hội hoặc một nền văn hóa cụ thể nào đó.

Trong quá trình lớn lên, chúng ta đã quen với những hình ảnh trong gia đình như mẹ nấu cơm, bố sửa điện hay ở ngoài xã hội như cô bán hàng, cô công nhân, chú lái xe, chú thợ xây thì chúng ta có thể nghĩ sự khác nhau trong các loại công việc đó là do đặc điểm sinh học của giới tính quy định.

Tuy nhiên, trên thực tế, sự tham gia của nam và nữ trong các loại công việc khác nhau là do những quan niệm, các chuẩn mực xã hội quy định. Mặc dù cả nam và nữ đều tham gia vào mọi hoạt động của đời sống xã hội nhưng mức độ tham gia cũng như giá trị của những công việc mà họ làm có thể đang được đánh giá khác nhau theo hướng bất lợi cho người nam hoặc người nữ.

Nhìn từ khía cạnh này, có thể thấy tính hợp lý của quan điểm cho rằng danh hiệu dành cho phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà” có thể đang tạo áp lực thêm cho phụ nữ khi đòi hỏi họ cùng một lúc phải hoàn thành tốt tất cả vai trò, cả trong gia đình và ngoài xã hội.

Tuyên truyền bình đẳng giới và chính sách dân số tại xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana. Ảnh: Nguyễn Xuân

Nhu cầu giới là nhu cầu mà mỗi giới có nguyện vọng, yêu cầu được đáp ứng để thực hiện tốt vai trò của mình. Trong nhiều tài liệu, người ta thường phân chia nhu cầu giới thành nhu cầu giới thực tế và nhu cầu giới chiến lược. Cho tới nay, nhiều người vẫn có quan điểm cho rằng, khi phụ nữ đã được đi học, được đi bầu cử, được làm việc… thì coi như đã đạt được bình đẳng giới.

Thực ra, nếu một dự án giúp phụ nữ và nam giới thực hiện tốt hơn các vai trò vốn có của mình mà không làm thay đổi thực tế phân công lao động theo giới thì đó chỉ mới đáp ứng nhu cầu giới thực tế. Nếu dự án tạo điều kiện cho phụ nữ và nam giới thực hiện những công việc vốn được coi là của giới khác, giúp họ đổi mới các vai trò truyền thống của mình, qua đó nâng cao bình đẳng nam - nữ thì đó là đáp ứng nhu cầu giới chiến lược, từ đó rút ngắn khoảng cách giới.

Khoảng cách giới là sự khác biệt hoặc bất bình đẳng giữa trẻ em gái và trẻ em trai, giữa người nam và người nữ trong một trường hợp cụ thể, liên quan đến các điều kiện, sự tiếp cận và thụ hưởng nguồn lực. Khoảng cách giới do chính con người và xã hội tạo ra, thường được đo dựa vào các chỉ báo liên quan sự tham gia và cơ hội trong các lĩnh vực: kinh tế, giáo dục, sức khỏe và sự sống, phân quyền chính trị. Rõ ràng là, chừng nào khoảng cách giới còn tồn tại thì chừng đó còn có các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới theo hướng đáp ứng các nhu cầu giới thực tế và nhu cầu giới chiến lược.

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, hy vọng các khái niệm nền tảng này sẽ giúp chúng ta nhận diện, hiểu và thiết kế được các chương trình, hoạt động phù hợp cho cả nam và nữ. Từ đó, thu hút được sự tham gia một cách hiệu quả của họ và đồng thời góp phần làm giảm bất bình đẳng giới.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.