Nỗi niềm lớp 1... online
Việc dạy và học online vốn đã gặp nhiều khó khăn, lại càng thêm vất vả đối với lớp 1. Để có thể duy trì tốt việc dạy và học đối với học sinh lớp 1 trong mùa dịch là cả sự nỗ lực rất lớn của giáo viên, học sinh, phụ huynh.
Hơn 20 năm trong nghề dạy học, cô Nguyễn Thị Trang (Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, TP. Buôn Ma Thuột) đã tích lũy nhiều kinh nghiệm, từ ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyên môn đến xử lý các tình huống sư phạm trong thực tế. Tuy nhiên, bước vào năm học 2021 - 2022, khi làm chủ nhiệm lớp 1 với 40 học sinh, cô vẫn không khỏi có lúc bối rối vì việc dạy học mùa dịch khác hẳn với cách truyền thống lâu nay.
Năm học 2020 - 2021, các em đã có thời gian học trực tiếp tại trường, cô và trò đã biết nhau nên sau đó chuyển sang dạy học online cũng không bỡ ngỡ. Còn năm học này, diễn biến dịch bệnh phức tạp khiến hình thức trực tuyến được áp dụng ngay từ Lễ khai giảng đến khi vào năm học. Do đó, từ phụ huynh, học sinh đến giáo viên đều bộn bề tâm trạng.
Với lớp 1, gần như trong thời gian đầu lên lớp chủ yếu để cô trò làm quen nhau; làm quen phương pháp dạy, học; cô hướng dẫn phụ huynh cách hỗ trợ con; phụ huynh phản hồi những thông tin liên quan… Cô đầu tư thời gian soạn giáo án cho phù hợp đặc thù việc dạy học trực tuyến, lồng ghép trò chơi để tạo không khí vui vẻ trong giờ học. Nhà trường luôn tạo điều kiện để giáo viên lớp 1 chủ động thời gian dạy học; bản thân các giáo viên cũng có nhóm riêng để trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm dạy học mùa dịch.
Cô Nguyễn Thị Trang (giáo viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong) trong một buổi dạy online cho học sinh lớp 1. |
Câu chuyện của cô Trang cũng là câu chuyện chung của nhiều giáo viên dạy lớp 1 trên địa bàn tỉnh trong năm học này. Thông thường, khi dạy và học trực tiếp, cô giáo có điều kiện theo sát học sinh, uốn nắn, chỉnh sửa cho các em từng nét chữ, cách ngồi, quan tâm hơn đến những em tiếp thu chậm. Nhưng khi học trực tuyến, giáo viên không thể bao quát cả lớp mà phải có phụ huynh hỗ trợ, ngồi kèm cùng học sinh trước máy tính. Giáo viên thêm bận rộn khi vừa phải soạn giáo án, vừa chấm bài cho học sinh, giao bài tập thì quay video, làm mẫu và gửi vào nhóm phụ huynh để phụ huynh hướng dẫn trẻ ở nhà.
Cùng kèm con học, phụ huynh cũng rất bận rộn. Anh Lê Trọng Thuận có con gái đang học lớp 1 chia sẻ, khi ngồi kèm con học trực tuyến, anh thấy trong lớp có những cháu rất hiếu động: bật, tắt camera liên tục; bấm nút giơ tay, mở mic khi cô giáo đang giảng bài; khiếu nại cô giáo không cho mình phát biểu. Rồi có những thời điểm mạng yếu, cô giáo không thấy hình ảnh camera, không thấy bảng con của học sinh để nhận xét bài viết cho từng em; trên nhóm Zalo phụ huynh hỏi quá nhiều khiến cô không trả lời kịp… Điều này cũng gây ra những bức xúc riêng cho mỗi phụ huynh, áp lực cho giáo viên, nên qua quá trình dạy học dần dần cùng phải làm quen và có sự điều chỉnh thích hợp.
Anh Lê Trọng Thuận đang kèm cặp con gái học bài. |
Thời gian học online đối với học sinh lớp 1 chủ yếu vào buổi tối nên cũng thuận lợi cho phụ huynh kèm cặp con học tập. Sau những bỡ ngỡ thời gian đầu, các cháu đã dần quen với hình thức học trực tuyến. Để bảo vệ sức khỏe của trẻ, ngoài thời gian học, phụ huynh không nên cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử mà hướng các con vào những hoạt động thể chất.
Năm học 2021 - 2022 đã qua hơn một nửa chặng đường. Hành trình dạy và học trực tuyến sẽ còn tiếp tục bởi diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 nên rất cần sự đồng hành, tương hỗ giữa nhà trường, phụ huynh và học sinh.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc