Multimedia Đọc Báo in

Nữ cán bộ trẻ nhiệt huyết nơi vùng sâu

07:59, 16/03/2022

Chị Hồ Thị Hồng (SN 1987) công tác tại xã Cư San (huyện M'Drắk) từ những ngày đầu mới thành lập xã (năm 2009). Qua quá trình phấn đấu trong công tác, chị được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã nhiệm kỳ 2016 – 2021. Đến năm 2018, chị được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn 8, xã Cư San.

Xã Cư San có trên 99% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía Bắc di cư vào sinh sống, lập nghiệp. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, thiếu vốn cũng như kinh nghiệm sản xuất; tình trạng vi phạm Luật Hôn nhân gia đình thường xuyên xảy ra. Khi đảm nhiệm công tác phụ nữ, chị Hồng đã tích cực học hỏi kinh nghiệm, thường xuyên gần gũi, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của chị em, từ đó xây dựng các hoạt động phù hợp với thực tiễn, lôi cuốn chị em tham gia. Hội LHPN xã cũng tích cực aphối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên đến các thôn, buôn tuyên truyền, vận động người dân về những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động bà con không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình…

Chị Hồ Thị Hồng (bìa trái) phối hợp với đoàn viên thanh niên xã tuyên truyền cho hội viên phụ nữ về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Hội LHPN xã Cư San đã xây dựng và duy trì các mô hình "Phụ nữ nói không với tảo hôn", "5 không, 3 sạch", "Phụ nữ an toàn"; vận động trao vốn khởi nghiệp cho 4 hội viên phát triển kinh tế, với số tiền 40 triệu đồng; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện nhận ủy thác trên 6,5 tỷ đồng, giúp cho 120 hội viên vay vốn. Hưởng ứng việc học tập và làm theo gương Bác, Hội LHPN xã đã xây dựng 18 mô hình "Hũ gạo tiết kiệm", 7 mô hình nuôi "Heo đất", "Ống tiền tiết kiệm"... với số tiền vận động hằng năm trên 30 triệu đồng và trên 300 kg gạo hỗ trợ hội viên ốm đau, hoạn nạn. Bằng các hoạt động thiết thực, từ năm 2016 đến 2021, các cấp hội phụ nữ địa phương đã giúp 22 hội viên vươn lên thoát nghèo.

Một trong những hoạt động nổi bật của phụ nữ Cư San là đã góp sức tích cực vào phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại địa phương. Theo đó, thời gian qua, chị Hồng và Ban Chấp hành Hội LHPN xã đã vận động hội viên may 500 khẩu trang vải và ủng hộ hàng trăm chai dung dịch sát khuẩn tặng người nghèo trên địa bàn xã; tổ chức bếp cơm tình thương nấu hàng trăm suất cơm cho lực lượng tham gia trực tại các chốt kiểm dịch.

Chị Hồ Thị Hồng (áo trắng, giữa) ra mắt mô hình Phụ nữ nói không với tảo hôn.

Với vai trò Bí thư Chi bộ thôn 8, chị Hồng đã vận dụng linh hoạt công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với các phong trào, các cuộc vận động đến với người dân một cách hiệu quả. Chị dành nhiều thời gian đến từng gia đình để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và kịp thời nắm bắt những vấn đề phát sinh ở thôn, từ đó kiến nghị, đề xuất với Đảng bộ xã để có các giải pháp hỗ trợ, nhất là đối với các gia đình chính sách, hộ nghèo. Nhờ đó, đến nay, đời sống của người dân trong thôn từng bước được nâng lên, tình hình an ninh, trật tự được đảm bảo. Hằng năm, trong thôn có từ 70 - 75% hộ đạt gia đình văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3 - 4%/năm; 100% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Chi bộ thôn 8 nhiều năm liền hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; thôn đạt danh hiệu văn hóa tiêu biểu của xã và đi đầu trong các phong trào ở địa phương.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.