Multimedia Đọc Báo in

“Sống” lại nghề móc sợi thủ công

08:21, 20/03/2022

Ngoài giờ lên bục giảng, chị Đoàn Thị Ngọc Hải (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) lại miệt mài với nghề móc len, sợi. Với chị, mỗi đường len, sợi chỉ móc là cả niềm say mê thôi thúc.

Cuộc thi ảnh trực tuyến “Duyên dáng trang phục truyền thống phụ nữ các dân tộc huyện Cư M’gar” năm 2022 do Hội LHPN huyện Cư M’gar tổ chức mới đây có hình ảnh một phụ nữ mặc chiếc áo dài được móc thủ công hoàn toàn, để lại nhiều ấn tượng cho người xem. Chị Hải chính là chủ nhân, tự tay chị móc sợi để làm ra chiếc áo dài, góp thêm một nét mới cho tà áo dài truyền thống. Chiếc áo dài Việt Nam vốn đã duyên, nay càng trở nên tinh tế và nền nã hơn khiến ai nhìn vào cũng chẳng ngờ rằng sản phẩm sợi móc tay lại phong phú và đẹp đến vậy.

Sản phẩm từ len, sợi móc do chị Hải làm ra rất đa dạng và sắc sảo. 

Là giáo viên tại Trường THCS Lương Thế Vinh, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M'gar nên mỗi ngày lên lớp giảng dạy, chiếc áo dài luôn là trang phục nằm trong sự ưu tiên lựa chọn của chị Đoàn Thị Ngọc Hải. Với chị Hải, khi khoác lên mình chiếc áo do chính tay mình làm ra với một tiêu chí thẩm mỹ khác cũng là một cách để nâng giá trị bản sắc riêng biệt và quảng bá hữu hiệu cho áo dài truyền thống của người Việt.

Phải yêu lắm chiếc áo dài và nghề đan móc, chị mới có thể cho ra đời chiếc áo dài tỉ mỉ theo từng mũi móc hoàn toàn thủ công như thế. Bởi, khác với việc làm ra các sản phẩm thông thường, móc áo dài đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, lắm công phu, từ việc tuyển lựa sợi sao cho phù hợp để móc lên chiếc áo có độ rủ mềm mại, khoe đường cong gợi cảm của người phụ nữ, đến việc xử lý các mũi móc bằng kỹ thuật riêng, từ các khâu: ráp tay, cổ, tà áo đều phải thuần thục. 

Chị Hải cho hay, từ thời sinh viên, chị đã yêu thích và tự mày mò học cách móc sợi. 7 năm trở lại đây, chị dành nhiều thời gian hơn cho niềm đam mê này. Chị còn chịu khó lên mạng Internet tìm hiểu, học thêm nhiều kiểu móc từ các hội, nhóm của những người cùng đam mê để tạo nên các họa tiết, đường nét trang trí cho sản phẩm thêm sống động. Nhờ kiên trì cộng với năng khiếu, chị đã làm chủ được kỹ thuật móc len, sợi và sáng tạo ra nhiều sản phẩm theo ý tưởng của riêng mình.

Chị Đoàn Thị Ngọc Hải duyên dáng trong bộ trang phục áo dài truyền thống cho chính tay chị móc thủ công bằng chất liệu sợi.

Qua bàn tay khéo léo của chị, sản phẩm làm ra từ len, sợi như: chiếc áo, mũ, đôi giày, túi xách, balo, khăn quàng cổ, áo dài... cũng đa dạng, nhiều mẫu mã và bền không kém những sản phẩm may mặc được tạo ra từ các chất liệu khác. Để làm ra những sản phẩm như thế là cả một kỳ công, đó là sự kết hợp hài hòa của các kiểu móc: xích (bính), đơn, kép để tạo hoa văn hạt gạo, chữ Y, sò… và gửi vào đó cả niềm say mê sáng tạo không bao giờ biết mệt mỏi của người thợ. Chị Hải tâm sự, chị luôn nghĩ về khả năng ứng dụng để sản phẩm len móc trở nên phổ biến vào thực tế, giữ nghề này không bị mai một trước cuộc sống hiện đại.

Ban đầu, sản phẩm làm ra chị dành phục vụ cho bản thân, sau đó mang tặng cho bạn bè, người thân để thỏa  niềm đam mê sáng tạo của mình. Về sau, mỗi ngày có thêm nhiều người tìm đến đặt hàng. Chị bắt đầu có nguồn thu nhập từ nghề.

Theo chị Hải, đơn giản chỉ cần cuộn len, sợi, dụng cụ móc và một vài nguyên vật liệu phụ trợ là đã có thể bước vào nghề. Nhưng ngược lại, đòi hỏi người thợ phải kiên trì, tỉ mỉ và tính sáng tạo. Yếu tố làm nên sản phẩm không chỉ là sự khéo léo mà còn phải biết cách thiết kế các chi tiết một cách hài hòa và có tính thẩm mỹ.

Gửi cả niềm đam mê vào móc len, sợi, chị Hải luôn suy nghĩ, việc đan móc ngày nay không còn đơn thuần chỉ là ngồi cặm cụi từng đường kim, mũi móc làm những chiếc áo len, khăn quàng cổ mà phải làm sao để sản phẩm đan móc trở nên đa dạng và phổ biến hơn, không chỉ tiện dụng mà còn phải thời trang, phù hợp với nhiều lứa tuổi. Có sự bắt kịp xu hướng như vậy thì nghề truyền thống này mới thực sự tạo ra các ứng dụng hữu ích trong cuộc sống mà vẫn bảo đảm tính "độc nhất" của sản phẩm, giúp nhiều người dễ dàng tiếp cận. Bởi suy cho cùng, việc bảo tồn và đi đôi với phát triển nhất thiết phải ứng dụng trong cuộc sống, từ đó, nghề truyền thống mới không lo bị đánh mất “cội rễ” của mình. 

Nhiều người tìm đến để học nghề, chị sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn cách thức đan móc nhưng không mấy người theo đuổi được lâu. Bởi ngoài tính kiên trì và sáng tạo thì quan trọng, nghề đòi hỏi mỗi người phải có niềm đam mê thật sự.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc