Multimedia Đọc Báo in

Kết nối, hỗ trợ người nghèo an sinh

08:11, 06/04/2022

Cùng với công tác tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ea Kar đã phát huy vai trò kết nối, huy động nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo an cư, phát triển sản xuất, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Trao cơ hội an cư

Sau nhiều năm sống trong căn chòi xập xệ, chật chội, chị Nguyễn Thị Hiền ở thôn Điện Biên 3 (xã Ea Kmút) mừng rơi nước mắt khi được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cùng chính quyền, đoàn thể địa phương bàn giao căn nhà Đại đoàn kết vào đầu tháng 4 vừa qua.

Căn nhà xây cấp 4 giản đơn, chỉ rộng hơn 40 m2 nhưng đối với mẹ con chị là cả niềm mơ ước. Chị Hiền là mẹ đơn thân, nuôi hai con nhỏ. Bản thân chị bị khuyết tật, sức khỏe yếu, không có đất sản xuất, cố gắng đi làm thuê quanh xóm để kiếm tiền nuôi con, lâu nay mấy mẹ con chị ở nhờ trong căn chòi dựng tạm của bố mẹ.

Được hỗ trợ làm nhà, chị Hiền chạy đôn chạy đáo lo vốn đối ứng. Bố mẹ chị không khá giả gì nhưng thương con gái nghèo khó đã chia cho mảnh đất ở. Anh em họ hàng, bà con lối xóm và các đoàn thể địa phương cũng nhiệt tình giúp đỡ, cho vay mượn thêm giúp mẹ con chị có điều kiện hoàn thành căn nhà.

Chị Hiền xúc động: “Ngoài 50 triệu đồng do Mặt trận huyện hỗ trợ, mẹ con tôi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ của mọi người để có cơ hội được an cư, không còn lo mưa to, gió lớn nữa”.

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ea Kar trao vốn thực hiện mô hình chăn nuôi dê sinh sản cho gia đình anh Lộc Văn Năm ở thôn 10, xã Cư Yang.

Không chỉ gia đình chị Hiền, từ nguồn vận động, hỗ trợ của MTTQ các cấp, đã có hàng trăm hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Ea Kar được an cư từ những căn nhà Đại đoàn kết, 167. Để có được những ngôi nhà ấm áp tình người, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và các tổ chức thành viên đã tích cực vận động nguồn lực, chỉ đạo cơ sở rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm đúng đối tượng. Mặt trận huyện tiến hành thẩm định hoàn cảnh và thực trạng nhà ở của từng hộ, thống nhất xây nhà phù hợp với điều kiện.

Ngoài ra, Ban công tác Mặt trận khu dân cư cũng vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên ủng hộ ngày công làm nhà, qua đó tạo sự gắn kết tình làng nghĩa xóm. Cách làm này đã nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của chính quyền địa phương và người dân. Trong năm 2021, từ nguồn vận động Quỹ Vì người nghèo và cấp trên phân bổ, MTTQ huyện đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 61 căn nhà và 361 công trình vệ sinh cho hộ nghèo.

 

Năm 2022, huyện Ea Kar phấn đấu huy động trên 2,5 tỷ đồng Quỹ Vì người nghèo để hỗ trợ các đối tượng xây dựng nhà Đại đoàn kết, phát triển kinh tế và trợ giúp những trường hợp khó khăn, thiên tai đột xuất.

Thiết thực hỗ trợ sinh kế

Đối với hộ nghèo, việc thiếu các tư liệu sản xuất chủ yếu là vấn đề nan giải trong phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống. Nắm bắt thực tế đó, MTTQ huyện Ea Kar và các tổ chức thành viên đã triển khai nhiều hoạt động, mô hình hỗ trợ sinh kế thiết thực, trao “cần câu” giúp người nghèo vươn lên.

Gia đình anh Lộc Văn Năm (dân tộc Nùng) là hộ nghèo ở thôn 10, xã Cư Yang. Sau khi khảo sát, tháng 9/2021, MTTQ huyện đã hỗ trợ gia đình anh Năm 10 triệu đồng từ Quỹ Vì người nghèo để thực hiện mô hình chăn nuôi dê. Các đoàn thể xã hướng dẫn cách làm chuồng, chăm sóc.

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ea Kar trao vốn thực hiện mô hình trồng lúa nước cho hộ nghèo xã Cư Elang.

Sự vào cuộc của Mặt trận huyện trong công tác hỗ trợ người dân xóa nghèo đã tạo chất “xúc tác” để lan tỏa phong trào. Đơn cử như Hội LHPN xã Cư Yang, bên cạnh nguồn vốn tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ trên 15,8 tỷ đồng, Hội đã triển khai các mô hình thiết thực như: “10+1”, “Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Heo đất tiết kiệm”... huy động được hơn 1 tỷ đồng giúp trên 800 lượt hội viên khó khăn phát triển sản xuất.

Chị Mùng Thị Hồng, Chủ tịch Hội LHPN xã Cư Yang cho hay, để giúp hộ nghèo tận dụng được thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của địa phương, Hội đã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận các cấp khảo sát, hỗ trợ cho các hộ phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Đặc biệt, từ năm 2021, Hội đã triển khai xây dựng Quỹ tự nguyện, huy động cán bộ, hội viên đóng góp để hỗ trợ không hoàn lại cho hộ nghèo phát triển sản xuất.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ea Kar Nguyễn Đức Ba, thực hiện chương trình phối hợp, hằng năm, Mặt trận huyện đã hiệp thương, thống nhất phân công các tổ chức chính trị - xã hội phụ trách giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo. Ngoài nguồn Quỹ Vì người nghèo, các tổ chức thành viên của Mặt trận đều linh hoạt triển khai huy động quỹ và thực hiện nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế thiết thực, phù hợp với khả năng và lợi thế của từng địa phương. Trong năm 2021, riêng Mặt trận huyện đã hỗ trợ 27 mô hình phát triển kinh tế cho hộ nghèo, cận nghèo, vùng khó khăn với tổng kinh phí trên 226 triệu đồng.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.