Multimedia Đọc Báo in

Phát huy hiệu quả các loại hình câu lạc bộ của phụ nữ

08:20, 19/04/2022

Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã thành lập, duy trì hoạt động hiệu quả nhiều mô hình, câu lạc bộ (CLB) thu hút đông đảo chị em tham gia.

Thành lập vào tháng 10/2020, đến nay Câu lạc bộ “Phụ nữ khỏe - đẹp - ba an toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại Chi hội Phụ nữ thôn 1, xã Cư Dliê M’nông (huyện Cư M’gar) đã có 30 thành viên thường xuyên sinh hoạt. Tham gia CLB, các thành viên được sinh hoạt văn nghệ, thể dục thể thao nâng cao sức khỏe; nội dung các bài tập luyện được xây dựng bài bản, phù hợp với thể lực và điều kiện của người tham gia.

Ban chủ nhiệm CLB cũng lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; trao đổi thông tin, kiến thức về phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh, văn minh, văn hóa tại địa phương. Ngoài các hoạt động giúp nâng cao sức khỏe, trao đổi kiến thức gia đình, CLB còn vận động gây quỹ giúp đỡ các thành viên gặp khó khăn trong cuộc sống; thăm hỏi lúc ốm đau, hoạn nạn.

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ “Phụ nữ khỏe - đẹp - ba an toàn cho phụ nữ và trẻ em” thôn 1, xã Cư Dliê M'nông.

Chị Nguyễn Thị Luyến, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: “Để hoạt động hiệu quả, Ban chủ nhiệm CLB không chỉ quan tâm đến việc lựa chọn các bài tập, các tiết mục văn nghệ phù hợp mà còn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt dã ngoại, giao lưu với các CLB khác trong huyện nhằm chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm

Thông qua hoạt động các mô hình, CLB, bình quân hằng năm trên địa bàn tỉnh phát triển thêm 1,8% hội viên mới. Đến nay, số hội viên trên địa bàn dân cư đạt 55,5%, trong đó hội viên dân tộc thiểu số chiếm 36,4%, hội viên tôn giáo chiếm 25,1%; có 95,6% cơ sở đã tập hợp được từ 50% phụ nữ độ tuổi từ 18 trở lên tham gia tổ chức Hội.

tập luyện, chế độ dinh dưỡng giữ gìn sức khỏe cho chị em. So với ngày đầu thành lập, hoạt động của CLB ngày càng được nâng cao về chất lượng, tạo sân chơi bổ ích, phát huy được năng khiếu, sở trường, mang lại những hiệu quả thiết thực nên đã thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia, thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở địa phương ngày càng phát triển, tạo sự gắn kết, tập hợp, thu hút nhiều hội viên tham gia hoạt động công tác Hội”.

Xác định hỗ trợ phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số nâng cao chất lượng cuộc sống, tham gia vào các phong trào, hoạt động Hội, những năm qua Hội LHPN huyện Krông Bông đã triển khai xây dựng, nhân rộng các mô hình, CLB phù hợp với điều kiện thực tế địa phương cũng như nhu cầu của các chị em. Trong đó phải kể đến một số mô hình tiêu biểu như: mô hình “Xóa trắng hộ gia đình không có hội viên” ở buôn Trôk Ăt (xã Yang Reh) đến nay đã thu hút 100% hộ gia đình có hội viên, hưởng ứng tích cực trong phong trào địa phương. Hay mô hình “Cải tạo đất xung quanh nhà trồng rau và cây ăn trái” đã hỗ trợ rất nhiều gia đình do phụ nữ làm chủ hộ có thêm kiến thức trồng trọt, cải tạo vườn tạp, chuyển đổi giống cây trồng để phát triển kinh tế… Thông qua hoạt động của các mô hình, CLB, từ năm 2016 đến nay, các cấp hội đã thu hút gần 800 hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia vào tổ chức Hội.

Thời gian qua, để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng tổ chức Hội, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, kế hoạch thể hiện sự đổi mới quyết liệt, tập trung trong chỉ đạo “Nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động Hội cơ sở; đa dạng hóa các hình thức tập hợp phụ nữ”. Trong đó, xây dựng, duy trì hoạt động của các mô hình, CLB là một trong những nội dung quan trọng.

Thành viên mô hình "Thu gom và phân loại rác thải" của Hội LHPN xã Dray Sáp, huyện Krông Ana thu gom phế liệu gây quỹ từ thiện.

Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, từng đơn vị gắn với các nhiệm vụ chính trị trọng tâm và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, kế hoạch thi đua hằng năm và việc thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, các tổ chức cơ sở hội trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch thành lập các mô hình phù hợp từng địa bàn dân cư tạo thành phong trào, tập hợp, thu hút hội viên, thành viên tham gia. Mỗi mô hình, CLB có tên gọi và mục đích khác nhau nhưng đều tác động tích cực đến cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ, nâng cao sự hiểu biết, trách nhiệm của hội viên trong việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, quan tâm giúp đỡ và phản ánh những khó khăn của phụ nữ đến cơ quan có thẩm quyền.

Tính riêng trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, toàn tỉnh đã xây dựng 336 mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu; tín chấp và vận động nguồn lực trên 272 tỷ đồng hỗ trợ hơn 15.800 hộ xây dựng công trình nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh; xây dựng và nhân rộng 109 mô hình “Chi hội Phụ nữ ba an toàn” với trên 8.000 thành viên tham gia; xây dựng và duy trì 175 loại hình, CLB phụ nữ gắn với nhu cầu, sở thích và phù hợp với từng nhóm phụ nữ (trí thức, tiểu thương, doanh nhân) với hơn 3.700 thành viên; 184/184 cơ sở hội đã lựa chọn một loại hình văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phù hợp với phụ nữ và duy trì thực hiện.

Anh Phương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.