Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động: Chủ động, trách nhiệm phối hợp của nhiều phía

08:05, 01/05/2022

Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) luôn bị “mới hóa” trước thực trạng cũng như những bất cập, hạn chế trong công tác này. Về vấn đề trên, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với bà VŨ THỊ MỸ PHƯỢNG, Phó Trưởng Phòng Lao động việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội).

* Mỗi ngành, nghề, công việc đều có tính chất đặc thù riêng nhưng mẫu số chung là phải bảo đảm ATVSLĐ nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người lao động (NLĐ) và sự phát triển của đơn vị sử dụng lao động. Xin bà cho biết cụ thể về tình hình ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Xác định ATVSLĐ là nhiệm vụ quan trọng gắn với sự tồn tại, phát triển của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN), do đó các cấp, ngành thường xuyên chú trọng công tác thông tin, giáo dục pháp luật; tăng cường thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan.

Năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 9 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm chết và bị thương 9 người (6 người chết, 3 người bị thương nhẹ), giảm 6 người so với năm 2020. Nguyên nhân TNLĐ chết người chủ yếu là do tai nạn giao thông trên đường đi đến nơi làm việc hoặc ngược lại (3 vụ). Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 1 vụ TNLĐ làm chết 1 người (không có người bị thương).

Công nhân điện lực Đắk Lắk sửa chữa lưới điện đoạn qua xã Ea Ral, Ea Hleo.

Nhìn chung, công tác bảo đảm ATVSLĐ vẫn còn nhiều hạn chế. Qua các cuộc thanh, kiểm tra thực tế cho thấy: nhiều DN, nhất là DN tư nhân, DN chưa có tổ chức Công đoàn chưa quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo hộ lao động; chưa dành thời gian cho công tác huấn luyện ATVSLĐ; không thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách bảo đảm ATVSLĐ, sức khỏe cho NLĐ. Đại đa số NLĐ chưa nhận thức đầy đủ về ATVSLĐ nên còn chủ quan, chưa thực hiện đúng quy định ATVSLĐ. Một số lao động vì kinh tế khó khăn đã chấp nhận làm việc trong môi trường độc hại, thiếu an toàn.

Lực lượng quản lý nhà nước về ATVSLĐ mỏng nên công tác quản lý chưa đồng bộ. Trung bình hằng năm có trên 80% DN không thực hiện báo cáo định kỳ về bảo hộ lao động, TNLĐ. Nhiều DN thực hiện báo cáo nhưng mang tính đối phó, chậm so với thời gian quy định…

* Vậy theo bà, đâu là các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng môi trường làm việc, hạn chế TNLĐ?

ATVSLĐ là vấn đề mang tính chất hệ thống, lâu dài, đòi hỏi sự phối hợp giữa NLĐ, người sử dụng lao động và cơ quan chức năng (bao gồm cả chính quyền địa phương các cấp). Đó không chỉ là sự đầu tư về máy móc, thiết bị bảo hộ của NLĐ, người sử dụng lao động mà còn là ý thức trách nhiệm của các bên liên quan. Trong đó, sự chủ động sẽ đem đến hiệu ứng tích cực, góp phần giảm thiểu tối đa hậu quả có thể xảy ra.

Thi công đường dây điện tại Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam.

Trước mắt, toàn tỉnh sẽ tập trung thực hiện tốt Tháng hành động về ATVSLĐ (tháng 5 hằng năm) với các nội dung cụ thể là: huy động sự phối hợp của các cấp, ngành, tổ chức, DN có mối quan hệ lao động và khu vực không có mối quan hệ lao động; đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục về ATVSLĐ... DN phải tự kiểm tra, đánh giá các nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật, vật tư, máy móc, trang thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, cháy nổ tại đơn vị; phối hợp với ngành chức năng thực hiện các hoạt động về ATVSLĐ. Đặc biệt là rà soát, xây dựng và tổ chức huấn luyện ATVSLĐ theo Nghị định 44/2016/NĐ-CP, ngày 15/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật ATVSLĐ về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động. Ngành chức năng cần tăng cường thanh, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về ATVSLĐ tại các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tập trung vào DN hoạt động ở lĩnh vực có nguy cơ, rủi ro cao về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ; tổ chức thăm hỏi, động viên các nạn nhân, gia đình nạn nhân bị TNLĐ…

Nhiệm vụ lâu dài là tiếp tục duy trì các hoạt động về ATVSLĐ. Trong đó, tập trung vào công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện cho NLĐ theo chủ đề, nội dung liên quan nhằm tạo dựng ý thức, nền nếp, thói quen tuân thủ các quy định về ATVSLĐ; hướng dẫn NLĐ, người sử dụng lao động các biện pháp kiểm soát, đánh giá, phòng ngừa các nguy cơ rủi ro về TNLĐ trong quá trình lao động, sản xuất… Cương quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm và tuyên dương các cá nhân, đơn vị thực hiện tốt công tác ATVSLĐ.

* Xin cảm ơn bà!

Thanh Hường (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.