Multimedia Đọc Báo in

Cây xanh tiếp tục “chia tay” với buôn làng

06:40, 08/05/2022

Không những gốc cổ thụ có tuổi đời dăm bảy chục năm trở lên lần lượt rời xa buôn làng, mà những cây nhỏ hơn - chỉ trên dưới mười năm cũng được giới buôn cây cảnh trên địa bàn Đắk Lắk săn lùng, khiến người mua kẻ bán trở nên hối hả và sôi động hơn, nhất là trong các buôn làng người dân tộc tại chỗ.

Những ngày đầu tháng 4 vừa qua, chỉ tính riêng ở các buôn Ea Nao, Kô Tam (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) đã có hơn 30 cây xanh các loại được nhiều hộ gia đình bán với giá từ 2 - 15 triệu đồng/gốc. Những loài cây tự nhiên như: chòi mòi, dâu da, bằng lăng tím được người mua ưa chuộng hơn cả vì đặc tính dễ sống, phát triển nhanh và đặc biệt là cho hoa, trái mang hương vị rất đặc trưng.

Cây chòi mòi ở buôn Kô Tam rời buôn làng.

Ông Êi Rung (buôn Ea Nao) cho biết, những loài cây này không thể ươm trồng, tách chiết được nên khi bán đi có nghĩa là vĩnh viễn mất đi cá thể lâm sinh vốn rất quý hiếm trong các buôn làng. Biết vậy, nhưng trước áp lực của đời sống đô thị hóa - và hơn thế là từ “cơn sốt” đất bùng lên ở đây trong thời gian qua đã khiến không ít hộ gia đình bán hết cây xanh tự nhiên vốn có trong vườn rẫy nhà mình trước khi bán đất.

Ông Êi Rung tâm sự, đành rằng là vậy - bán những gì có thể bán được một khi mảnh đất ấy có ý định bán đi; nhưng cũng có trường hợp vì món tiền hời trước mắt nên nhiều người sẵn sàng “gật đầu” để cho người ta bứng đi những cây xanh thật quý và rất đỗi thân thuộc với mình từ bao năm qua. Ví như đứa cháu của ông chẳng hạn - Amí Míp vừa mới bán 2 cây bằng lăng và một cây dâu da trong vườn nhà với giá hơn 10 triệu đồng, số tiền ấy cũng sắm sanh được một vài thứ đồ dùng sinh hoạt trong gia đình, nhưng mãi mãi mất đi hình ảnh thân thương.

Ama Hưng, một tay “săn” cây xanh chuyên nghiệp và thường xuyên mối lái cho những “đầu nậu” khác trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cũng như nhiều tỉnh thành khác đến tìm mua, cho hay: Hiện những buôn làng trong phố không còn bóng dáng những loài cây trên, chỉ còn lại rất ít buôn ven đô, một số hộ gia đình có vườn rẫy rộng thì còn giữ được vài ba chục cá thể lâm sinh quý giá trên (chòi mòi, dâu da, bằng lăng tím). Tuy nhiên, theo Ama Hưng, trước áp lực như đã nêu thì sớm muộn số cây xanh tự nhiên ấy cũng sẽ rời xa buôn làng để đến với những khu resort, biệt thự sang trọng mọc lên ngày càng nhiều trên cả nước. Đến lúc ấy, buôn làng trở nên trống rỗng hơn vì những gì được coi là thân thuộc, gần gũi nhất đã biến mất - từ vấn nạn “chảy máu” cổ vật diễn ra hơn 10 năm trước… và đến nay thì cây xanh đang từng ngày tiếp tục “chia tay” với quê xứ của mình.

          Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.