Multimedia Đọc Báo in

Ký ức sân trường

08:22, 25/05/2022

Tuổi thơ tôi gắn liền với hai trường tiểu học. Khi tôi còn học lớp một, lớp hai, nhà tôi ở phố, trường cũng ở phố. Trường ở phố những năm bảy mươi thế kỷ trước cũng nghèo, nghĩa là ngoài các lớp học tường xây, còn sân trường bằng đất, cỏ mọc đầy.

Cả sân trường chỉ có một cây phượng già đứng ở góc cuối sân là đáng chú ý. Không biết cây phượng được ai trồng từ bao giờ mà khi tôi đi học, thân cây đã to đến mức cả hai đứa dang tay ôm mà chưa kín. Những ngày gió lớn, lá phượng rụng xuống sân trường, những cuống lá phượng xếp đều những chiếc lá nhỏ như những chiếc lông chim. Giờ ra chơi, lũ học trò chạy nhảy mướt mồ hôi rồi vào núp bóng dưới gốc phượng; những đứa không thích chơi ngoài nắng thì rủ nhau chơi dưới gốc cây này.

Nhưng sân cỏ mới là thiên đường của học trò. Bọn con gái thì thủy chung ở mái hiên trường với các trò “nhảy dây”, “đi chợ về chợ”, “ù mọi”, “nhảy lò cò”, “chơi ô làng”… Ở góc sân là đất của con gái, đa phần chơi nhảy dây. Hai đứa hai đầu dùng tay quay sợi dây thun vun vút quay tròn, rồi mấy đứa thay nhau nhảy vào, nhún nhảy, nhấc lên hạ xuống mềm mại, uyển chuyển, hết sức nhịp nhàng. Có lúc cả bọn xúm vào nhảy đôi, nhảy ba, đứa nào cũng trông thật nhanh nhẹn, thi thoảng mới thấy có đứa vướng dây. Trong cặp bọn con gái đi học, khi nào cũng có chùm dây thun dài để nhảy dây.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Còn bọn con trai thì sau hồi trống ra chơi, như đã hẹn nhau từ trước, chạy nhanh ra sân cỏ bắt cặp “tù tì” chia phe. Đứa mô thắng về một phe, thua về một phe. Phe thắng được chạy, phe thua đuổi theo, ai bị đuổi chạm vào người thì bị bắt làm tù binh, phải về đứng trạm ở chân cột cờ. Tù binh chỉ được cứu khi đứa trong phe đưa tay chạm trúng người, vì vậy bên đuổi phải cắt cử người đứng trông. Trò này khá gay cấn vì có khi phe chạy bị bắt hết chỉ còn một đứa “sống”, nếu nó liều mình bay vào mà không cản được thì nó cứu được khá nhiều đồng đội. Lại có những đứa biết mình chạy nhanh còn cố chọc ghẹo lạng đến gần đứa đuổi rồi chạy ra xa, khiến đứa đuổi tức mình. Chỉ có vậy thôi mà say sưa đến ba mươi phút, trống đánh hết giờ ra chơi vẫn còn tiếc nuối. Vào lớp đứa nào đứa nấy mồ hôi nhễ nhại mà mặt mày hơn hớn.

Mùa hè năm ấy, khi biết nhà mình sẽ chuyển về quê, không còn học ở trường có cây phượng già nữa, tôi chạy đến trường xem lần cuối, nhìn cây phượng nở đầy hoa đỏ thắm mà không biết mắt mình cũng hoe đỏ tự lúc nào. Bãi cỏ rộng thênh thang hoang vu đầy châu chấu, chuồn chuồn, từ nay những bước chạy của tôi cũng sẽ không còn dẫm lên đám cỏ mềm dưới chân nữa. Tôi đứng giữa sân trường vắng tanh và bỗng bật khóc nức nở.

Gia đình chuyển về sống ở làng, tôi đi học trường làng. Sân trường làng có nhiều cây bóng mát hơn, như cây bàng, cây phượng, và không có sân cỏ rộng như trường ở phố. Trò chơi ở sân trường làng không có những trò ở phố như “táng bao thuốc”, “táng nắp ken”…, nhưng bù lại, có những trò mà ở phố không bao giờ có như trò “bắn súng sân”, “căn cù”… Nhưng có nhiều trò mà ở phố hay ở làng trẻ con đều chơi trong sân trường như “bắn bi”, “táng lon”, “đuổi bắt”, “đá gà”, “nhảy ngựa”… của bọn con trai hay “nhảy dây”, “đi chợ về chợ”, “ù mọi”, “nhảy lò cò”, “chơi ô làng”… của bọn con gái… Chơi “căn cù” là một trò nguy hiểm, bởi sau khi “khắc” càng nhiều lần càng tốt, đứa chơi sẽ đánh cái cù một cái thật mạnh để cù càng bay xa càng tốt, còn đối thủ phải ngăn cú đánh đó để cù khỏi bay xa. Chính vì vậy nhiều khi cái cù đập mạnh vào mặt đứa cản khiến nó u cả đầu. Chính vì nguy hiểm nên “căn cù” thường bị thầy cô cấm chơi. Nhưng "súng sân" thì không bị cấm dù đạn trái sân bắn trúng cũng rất đau. Súng sân được làm từ ống hóp lỏng (phân biệt với hóp đặc không có lỗ thông), tay cầm là đoạn hóp ngắn có dắt một cái que để “bắn”, ống súng là khúc hóp dài. Khi bắn, ngắt quả sân nhét vào miệng ống hóp rồi dùng que thụt mạnh. Hơi ép trong khúc hóp sẽ làm quả sân bắn ra khá mạnh, có khi vang ra tiếng “bép” rõ to. Đứa nào bị bắn trúng cũng phải kêu lên xuýt xoa vì đau. Trò này chỉ bọn con trai mới chơi, mà chơi phải đúng luật là bắn ngang ngực trở xuống, không được bắn phía trên vì sợ bay vào mắt…

Chơi đá cỏ gà thì khi còn ở nhà đã đi tìm bụi cỏ gà, chọn cây to nhổ lên phơi cho héo, rồi thắt chùm hoa phía trên thành đầu gà, thắt vài vòng để dành phần thân dai nhất để thi đấu. Khi đấu thì xỏ thân con này vào con kia, thít vòng lại rồi cả hai ra sức kéo, con nào bị đứt, đầu rụng là thua. Gặp những cọng cỏ dai, làm thân đôi, thân ba, cả hai nghiến răng kéo thật mạnh mới phân thắng thua được. Bỗng nhớ khi còn ở phố, cũng mùa hè năm lớp hai, cả mấy đứa chơi đá gà chán chê, đứa nào cũng còn vài con trên tay, rủ nhau đào hố chôn gà. Nghéo tay thề là khi đi học lại sẽ đào lên, xem còn đá được hay không thì chơi một trận. Thế rồi cái nghéo tay năm ấy giăng qua thời gian bao nhiêu năm, mãi hoài lời hẹn thề không bao giờ thực hiện. Sân trường năm xửa năm xưa chỉ còn là kỷ niệm tuổi thơ đong đầy trong tâm tưởng.

Hồ Đăng Thanh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.