Phụ nữ Ea Trul nỗ lực giữ gìn nghề truyền thống
Với mong muốn phát huy giá trị văn hóa truyền thống, Hội Phụ nữ xã Ea Trul (huyện Krông Bông) đang nỗ lực đồng hành, chung tay cùng các hội viên giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, không để bị mai một trước nhịp sống hiện đại.
Để làm xong đơn đặt hàng cho khách, khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ thì bà H’Den Kuan (buôn Plum) đã thức giấc ngồi bên khung dệt. Dưới ánh đèn vàng, tiếng lách cách của khung dệt cứ đều đặn vang lên cho đến khi trời sáng. Hơn 20 năm qua, với lòng đam mê, nhiệt huyết với nghề, sau thời gian lên nương rẫy, bà lại tranh thủ ngồi tỉ mỉ giăng khung, khéo léo luồn chỉ dệt nên những họa tiết độc đáo.
Là người có tay nghề thành thạo trong buôn, hằng tháng, bà nhận được từ 3 - 5 đơn hàng, chủ yếu là bộ váy áo truyền thống. Mỗi bộ váy áo phải làm mất một tuần mới hoàn thành, với giá hơn 1 triệu đồng/bộ. “Càng dệt tôi lại càng bị cuốn vào công việc, đến quên cả giờ giấc. Đó không chỉ là niềm vui mỗi ngày, mang lại thu nhập cho gia đình, mà còn là mong muốn gìn giữ được nét đẹp truyền thống của dân tộc mình trong từng đường kim, mũi chỉ”, bà H’Den tâm sự.
Bà H'Den Kuan (bên phải) giới thiệu sản phẩm thổ cẩm của gia đình mình. |
Cũng như dệt thổ cẩm, ủ rượu cần là nét đẹp văn hóa truyền thống gắn liền với đời sống của người Êđê. Ở các buôn trên địa bàn xã Ea Trul, nhiều người dân vẫn giữ được thói quen ủ rượu cần để phục vụ gia đình. Là một cán bộ phụ nữ xã, chị H’Nhuế Kuan (tên thường gọi là Amí Tý, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã) luôn trăn trở làm thế nào để giữ gìn và phát huy nghề truyền thống bền vững ở địa phương. Để nâng cao nhận thức, lan tỏa tình yêu với văn hóa dân tộc đến các chị em, từ sự hỗ trợ 5 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã, chị đã tự tay ủ rượu để bắt đầu cho việc kinh doanh. Với kinh nghiệm nhiều năm và học hỏi từ các bà, các mẹ trong buôn để tạo ra được sản phẩm rượu cần ưng ý, thông qua mạng xã hội, chị tích cực giới thiệu sản phẩm, quy trình ủ rượu đến mọi người. Rượu cần chị ủ đúng vị truyền thống, đậm đà, thơm ngon, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Hiện chị H’Nhuế và Hội LHPN xã đang nỗ lực quảng bá sản phẩm và được sự đón nhận tích cực của khách hàng.
Nhiều phụ nữ trong buôn Plum (xã Ea Trul) vẫn nỗ lực gìn giữ nghề dệt truyền thống. |
Xã Ea Trul có 9 thôn, buôn, trong đó có 6 buôn đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là người Êđê). Chung tay giữ gìn giá trị văn hóa ở địa phương, từ năm 2009, Hội LHPN xã đã phối hợp với hội phụ nữ các cấp hỗ trợ mở lớp dạy nghề dệt, tạo điều kiện cho nhiều chị em tham gia, học tập. Các sản phẩm của chị em ngày càng sắc sảo, độc đáo, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Trul Nguyễn Thị Tuyết Nga cho biết, để chị em duy trì và truyền dạy nghề, Hội luôn tích cực tuyên truyền, động viên tinh thần, định hướng phát triển. Hội đang vận động chị em để tổ chức lớp tham quan, tìm hiểu kỹ thuật may ở một số cơ sở trên địa bàn tỉnh để mọi người có thể tự cắt may, cách tân sản phẩm váy, áo bằng vải thun và phối hoa văn họa tiết thổ cẩm được dệt thủ công, giảm được công lao động, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc mình.
Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc