Multimedia Đọc Báo in

Tổ chức cuộc thi thiết kế biểu trưng huyện Lắk

06:41, 19/05/2022

UBND huyện Lắk cho biết, địa phương vừa phát động và ban hành thể lệ cuộc thi thiết kế biểu trưng (Logo) huyện Lắk.

Theo đó, đối tượng dự thi gồm tất cả các tổ chức, cá nhân là công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc trên khắp mọi miền đất nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, không phân biệt tuổi tác, giới tính, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (trừ các thành viên trong Ban Tổ chức, Hội đồng thẩm định cuộc thi).

Mục đích của cuộc thi nhằm chọn một thiết kế tiêu biểu, thể hiện nét riêng biệt về lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội để làm Logo của huyện Lắk. Logo sẽ được sử dụng chính thức trong các hoạt động thông tin tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về tiềm năng phát triển du lịch của huyện đối với bạn bè trong nước và quốc tề; đồng thời phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của huyện Lắk.

Huyện Lắk ngày càng phát triển. (Ảnh: Ninh Tôn)
Huyện Lắk ngày càng phát triển. (Ảnh: Ninh Tôn)

Nội dung, tác phẩm phải thể hiện nét đặc trưng của huyện Lắk, mang bản sắc văn hóa, lịch sử truyền thống và sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Lắk. Hình thức, tác phẩm dự thi phải có hình ảnh và bố cục trang trọng, hài hòa, có tính mỹ thuật và khái quát cao, rõ nét, đơn giản, dễ hiểu, dễ nhận biết và thuận tiện trong việc sử dụng mọi chất liệu, phóng to, thu nhỏ vẫn đảm bảo chất lượng nghệ thuật. 

Thời gian nhận bài dự thi từ nay đến 16 giờ ngày 15/7/2022. Các tác giả gửi hồ sơ dự thi của mình theo đường Bưu điện hoặc trực tiếp đến địa chỉ liên lạc của Ban Tổ chức (thông qua phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lắk, số 264 Nguyễn Tất Thành, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk). 

Cơ cấu giải thưởng gồm: 1 giải Nhất trị giá 40 triệu đồng kèm theo Giấy chứng nhận của UBND huyện Lắk; 3 giải Khuyến khích, mỗi giải 5 triệu đồng kèm theo Giấy chứng nhận của UBND huyện Lắk. 

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.